![]() |
Thị trường nhóm nông sản 13/5: Lúa mì và ngô giảm, đậu tương bật tăng lên đỉnh 3 tháng |
Thị trường lúa mì
Giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago lao dốc trong phiên đầu tuần, chạm mức thấp lịch sử giữa lúc triển vọng mùa vụ tại Mỹ lạc quan và dự trữ toàn cầu cao hơn dự kiến.
Báo cáo cung - cầu mới nhất từ USDA cho thấy lượng lúa mì tồn kho cuối niên vụ 2025/26 của Mỹ được dự báo đạt 923 triệu giạ, vượt kỳ vọng thị trường. Trên toàn cầu, con số này cũng cao hơn dự báo, đạt 265,21 triệu giạ.
Cùng lúc, thời tiết thuận lợi tại vùng đồng bằng nước Mỹ hỗ trợ sự phát triển của lúa mì đông. Trước báo cáo tiến độ mùa vụ, giới phân tích kỳ vọng 51% diện tích lúa mì đạt chất lượng từ "tốt đến rất tốt", tương đương tuần trước.
Trên sàn CBOT, lúa mì đỏ mềm tháng 7 (WN25) giảm 6,5 cent, còn 5,1525 USD/giạ. Lúa mì đỏ cứng mùa đông tháng 7 (KWN25) hạ 9,5 cent xuống 5,08 USD/giạ. Còn lúa mì xuân tháng 7 giao dịch tại Minneapolis (MWEN25) cũng mất 9,5 cent, chốt ở 5,84 USD/giạ.
Thị trường ngô
Giá ngô kỳ hạn diễn biến trái chiều, khi tâm lý thị trường được hỗ trợ bởi thông tin Mỹ - Trung tạm ngưng áp thuế và báo cáo tích cực từ USDA, nhưng triển vọng mùa vụ bội thu vẫn gây áp lực lên giá.
Theo USDA, dự trữ ngô cuối niên vụ 2024/25 của Mỹ ước tính đạt 1,415 tỷ giạ, giảm so với mức 1,465 tỷ giạ trong báo cáo tháng 4. Tuy nhiên, cơ quan này dự kiến tồn kho sẽ tăng mạnh lên 1,8 tỷ giạ vào cuối niên vụ 2025/26, thấp hơn dự báo trung bình (2,02 tỷ giạ) của giới phân tích.
Mỹ hiện vẫn duy trì lợi thế xuất khẩu ngô nhờ giá cả cạnh tranh và nguồn cung hạn chế từ Brazil. Nông dân Mỹ năm nay cũng mở rộng diện tích trồng ngô, giảm diện tích đậu tương để tối ưu hóa lợi nhuận trong bối cảnh còn nhiều bất ổn về thương mại.
Chốt phiên, ngô tháng 7 (CN25) trên sàn CBOT giảm 1,75 cent, còn 4,48 USD/giạ, bất chấp đà tăng ở các hợp đồng tháng trước.
Thị trường đậu tương
Giá đậu tương khởi sắc mạnh mẽ, lên mức cao nhất trong vòng ba tháng nhờ tín hiệu tích cực từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung và dữ liệu tồn kho thấp hơn kỳ vọng.
Thỏa thuận tạm hoãn đánh thuế giữa hai nền kinh tế lớn giúp xoa dịu lo ngại suy thoái toàn cầu, hỗ trợ thị trường hàng hóa. Đậu tương – nông sản từng chịu ảnh hưởng nặng nề trong chiến tranh thương mại đang có cơ hội phục hồi khi Trung Quốc dần trở lại nhập hàng từ Mỹ.
USDA dự báo lượng đậu tương dự trữ của Mỹ cho niên vụ 2025/26 là 295 triệu giạ, thấp hơn đáng kể so với mức kỳ vọng 362 triệu giạ. Con số này cho niên vụ 2024/25 cũng được điều chỉnh giảm xuống 350 triệu giạ so với 375 triệu giạ trước đó.
Trên sàn CBOT, đậu tương tháng 7 (SN25) tăng mạnh 19,5 cent, đạt 10,7125 USD/giạ. Dầu đậu nành tháng 7 (BON25) cộng thêm 0,85 cent, lên 49,92 cent/pound; trong khi bột đậu nành tháng 7 (SMN25) tăng 4 USD, lên 298,10 USD/tấn ngắn.