![]() |
Thị trường nhóm nông sản 12/5: Lúa mì giảm mạnh, đậu tương và ngô bật tăng trước báo cáo USDA |
Thị trường lúa mì
Giá lúa mì trên sàn Chicago tiếp tục trượt dốc trong phiên cuối tuần, rơi xuống mức thấp kỷ lục do điều kiện thời tiết thuận lợi tại khu vực đồng bằng Mỹ và triển vọng xuất khẩu ảm đạm khiến các quỹ đầu cơ gia tăng vị thế bán.
Thị trường ghi nhận Trung Quốc đã mua khoảng 400.000 - 500.000 tấn lúa mì từ Australia và Canada trong vài tuần qua, giữa lúc các khu vực trồng trọt trọng điểm tại nước này đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài đe dọa mùa màng.
Dự báo có mưa tại khu vực Biển Đen nơi xuất khẩu chủ chốt cùng với việc mùa vụ lúa mì đông ở Mỹ được cải thiện càng gây sức ép lên giá. Giới giao dịch đang chờ báo cáo cung cầu toàn cầu đầu tiên cho niên vụ 2025/26 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự kiến công bố vào thứ Hai.
Trên sàn CBOT, hợp đồng lúa mì đỏ mềm giao tháng 7 (WN25) giảm 7,5 cent còn 5,2175 USD/giạ. Lúa mì đỏ cứng mùa đông giao tháng 7 tại Kansas (KWN25) mất 7,25 cent xuống còn 5,1705 USD/giạ. Trong khi đó, hợp đồng lúa mì xuân tháng 7 tại Minneapolis (MWEN25) cũng giảm tương đương, chốt ở 5,9305 USD/giạ.
Thị trường ngô
Giá ngô kỳ hạn trên sàn CBOT tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi nhà đầu tư điều chỉnh vị thế bán trước thềm cuộc họp quan trọng giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc tại Geneva vào cuối tuần.
Cuộc đàm phán này, theo Nhà Trắng, là bước tiến hướng tới việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với áp lực đến từ điều kiện canh tác lý tưởng tại vùng Trung Tây Mỹ và khả năng sản lượng cao hơn trong niên vụ tới.
Ngoài ra, vụ thu hoạch ngô sắp diễn ra tại Brazil - nước xuất khẩu lớn cũng được dự báo sẽ làm suy yếu nhu cầu đối với ngô Mỹ trong thời gian tới.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, các nhà xuất khẩu vừa chốt đơn bán 228.000 tấn ngô cho Mexico, giao hàng trong niên vụ 2024/25 và 2025/26.
Kết phiên, hợp đồng ngô tháng 7 (CN25) tăng 2,25 cent, đạt 4,4975 USD/giạ.
Thị trường đậu tương
Giá đậu tương bật tăng trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về khả năng gia tăng căng thẳng thương mại và điều chỉnh vị thế trước cuộc gặp Mỹ - Trung tại Geneva. Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường vốn rất nhạy cảm với rủi ro địa chính trị, đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn là khách hàng nhập khẩu đậu tương lớn nhất toàn cầu.
Cùng lúc, USDA xác nhận đã có đơn hàng mới trị giá 120.000 tấn đậu tương từ Pakistan, giao trong năm 2025/26.
Giới giao dịch hiện cũng tập trung vào báo cáo cung cầu mùa vụ toàn cầu của USDA công bố vào đầu tuần tới, trong đó sẽ cập nhật bảng cân đối đầu tiên cho niên vụ 2025/26.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng đậu tương tháng 7 (SN25) tăng 6,75 cent lên 10,5175 USD/giạ. Dầu đậu tương kỳ hạn tháng 7 (BON25) cũng nhích 0,12 cent lên 48,57 cent/pound, trong khi bột đậu tương tháng 7 (SMN25) giảm 60 cent, xuống còn 294,10 USD/tấn ngắn.