![]() |
Thị trường nhóm nông sản 7/5: Lúa mì và ngô tăng nhẹ, đậu tương kéo dài đà giảm |
Thị trường lúa mì
Giá lúa mì giao sau tại Chicago tăng trong phiên 6/5 khi thị trường chịu tác động bởi rủi ro thời tiết khô hạn ở Trung Quốc cùng hoạt động mua bù bán khống.
Tại tỉnh Hà Nam – vùng trồng lúa mì trọng điểm, thời tiết nắng nóng làm dấy lên quan ngại về năng suất, từ đó có thể khiến Trung Quốc tăng nhập khẩu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, áp lực từ triển vọng sản lượng cải thiện ở Mỹ và mưa tại khu vực Biển Đen tiếp tục kìm hãm đà tăng.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tính đến ngày 29/4, khoảng 51% diện tích lúa mì mùa đông của Mỹ được đánh giá ở tình trạng tốt đến xuất sắc, đây là mức cao nhất kể từ năm 2020. Tỷ lệ diện tích chịu hạn cũng giảm từ 33% xuống còn 23% nhờ mưa lớn tại Oklahoma và khu vực đồng bằng phía Nam.
Lúa mì đỏ mềm mùa đông tháng 7 tại CBOT (WN25) tăng 4,75 cent lên 5,36 USD/giạ.
Lúa mì đỏ cứng mùa đông tháng 7 tại Kansas (KWN25) tăng 5,25 cent lên 5,38 USD/giạ.
Lúa mì xuân tháng 7 tại Minneapolis (MWEN25) tăng 1 cent lên 6,1005 USD/giạ.
Thị trường ngô
Thị trường ngô diễn biến trái chiều trong phiên vừa qua, do những tín hiệu trái ngược từ hoạt động gieo trồng tại Mỹ và triển vọng thu hoạch ở Brazil.
USDA báo cáo đến hết ngày 4/5, diện tích ngô gieo trồng tại Mỹ đạt 40%, cao hơn mức trung bình 5 năm (39%) nhưng vẫn dưới dự báo của giới phân tích (41%). Dù mưa ở miền Đông Trung Tây làm chậm tiến độ tại một số nơi, nhìn chung tốc độ vẫn được đánh giá là tốt.
Ở chiều ngược lại, vụ ngô safrinha, chiếm phần lớn sản lượng của Brazil sắp bước vào thu hoạch, có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu ngô từ Mỹ trên thị trường quốc tế.
Giá ngô tháng 7 tại CBOT (CN25) tăng 1,25 cent, lên 4,5505 USD/giạ.
Thị trường đậu tương
Giá đậu tương kỳ hạn giảm phiên thứ hai liên tiếp, chủ yếu do lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đà sụt giảm của các sản phẩm phụ như dầu và bột đậu.
Thị trường vẫn đang chờ tín hiệu đàm phán rõ ràng hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc gần như biến mất trong bối cảnh chưa có đột phá về thuế quan.
Ngoài ra, giá dầu đậu tương cũng chịu áp lực mạnh sau khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) không công bố quy định pha trộn nhiên liệu sinh học như kỳ vọng. Đồng thời, việc cắt giảm ngân sách EPA khiến làn sóng bán tháo lan rộng khắp các hợp đồng tương lai đậu nành.
Về tiến độ gieo trồng, USDA cho biết 30% diện tích đậu tương đã được gieo, cao hơn mức trung bình 5 năm là 23%, nhưng vẫn thấp hơn mức dự đoán 31%.
Đậu tương CBOT tháng 7 (SN25) giảm 4,25 cent xuống 10,4125 USD/giạ.
Dầu đậu tương tháng 7 (BON25) giảm 0,38 cent còn 48,35 cent/pound.
Bột đậu tương tháng 7 (SMN25) giảm 2,50 USD xuống 295,50 USD/tấn ngắn.