![]() |
Thị trường nhóm nông sản 15/5: Lúa mì và đậu tương tăng, ngô biến động trái chiều |
Thị trường lúa mì
Sau khi rơi xuống mức thấp gần 5 năm trong phiên đầu tuần, giá lúa mì trên sàn CBOT đã bật tăng trở lại vào thứ Tư nhờ hoạt động mua bù bán khống. Tất cả các hợp đồng lúa mì đỏ mềm trước đó đều thiết lập đáy mới, khiến thị trường ghi nhận sự điều chỉnh kỹ thuật.
Lúa mì đỏ mềm mùa đông giao tháng 7 (WN25) tăng 7,5 cent, lên 5,2475 USD/giạ. Lúa mì đỏ cứng mùa đông KC tháng 7 (KWN25) cũng ghi nhận mức tăng 11,25 cent, kết phiên ở mức 5,23 USD/giạ. Ngược lại, lúa mì xuân tháng 7 trên sàn Minneapolis (MWEN25) giảm nhẹ 3,75 cent, còn 5,77 USD/giạ.
Các trinh sát mùa vụ tại Kansas - bang trồng lúa mì chủ lực dự báo năng suất lúa mì đỏ cứng tại khu vực phía Bắc cao hơn năm trước. Kết quả dự báo năng suất cuối cùng cho toàn bang sẽ được công bố vào thứ Năm.
Giới phân tích cho rằng báo cáo xuất khẩu hàng tuần của USDA công bố ngày 16/5 có thể cho thấy lượng hủy đơn hàng lúa mì ròng ở mức 200.000 tấn hoặc chuyển sang bán ròng 100.000 tấn cho niên vụ 2024-25. Đối với vụ 2025-26, doanh số có thể dao động từ 350.000 - 600.000 tấn. Trong khi đó, dự báo mới nhất từ USDA hôm đầu tuần cho thấy lượng dự trữ cuối vụ 2025-26 của Mỹ có thể cao hơn kỳ vọng của thị trường.
Thị trường ngô
Giá ngô trên sàn CBOT kết thúc phiên với diễn biến trái ngược giữa các hợp đồng. Ngô tháng 7 (CN25) tăng 3 cent lên 4,4505 USD/giạ nhờ lực mua phục hồi sau khi chạm đáy gần 5 tháng trước đó. Trong khi đó, hợp đồng tháng 12 (CZ25) – đại diện cho vụ mùa sắp thu hoạch giảm nhẹ 0,5 cent, còn 4,4005 USD/giạ. Hoạt động giao dịch chênh lệch giá giữa các hợp đồng cũ và mới là yếu tố chính dẫn đến diễn biến trái chiều này.
Các nhà giao dịch hiện đang theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết mùa hè tại Mỹ, trong bối cảnh lo ngại tình hình khí hậu bất lợi có thể ảnh hưởng đến năng suất. Trước đó, USDA đã công bố dự báo lượng tồn kho cuối vụ 2025-26 thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Về xuất khẩu, USDA dự kiến báo cáo doanh số bán ngô hàng tuần vào thứ Năm ở mức 900.000 – 1,5 triệu tấn cho niên vụ hiện tại và 350.000 - 600.000 tấn cho niên vụ kế tiếp. Cạnh tranh từ Brazil cũng được chú ý, khi nước này dự kiến đạt sản lượng ngô niên vụ 2024-25 khoảng 125 triệu tấn, theo Hiệp hội ngô và lúa miến quốc gia Brazil.
Thị trường đậu tương
Đậu tương tiếp tục đà tăng sang phiên thứ năm liên tiếp, với hợp đồng tháng 7 (SN25) tăng 5,25 cent lên 10,77-3/4 USD/giạ. Hợp đồng hoạt động mạnh nhất (ZS1!) có thời điểm vọt lên 10,82 USD/giạ, đây là mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Giá được hỗ trợ bởi kỳ vọng nhu cầu đậu tương cho xuất khẩu và sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ cải thiện. Việc Mỹ và Trung Quốc tạm ngừng áp thuế trong 90 ngày cũng góp phần làm tăng kỳ vọng rằng Trung Quốc – nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới sẽ quay lại mua hàng Mỹ.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn lưu ý rằng Brazil hiện vẫn giữ lợi thế cạnh tranh về giá với thị trường Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo doanh số xuất khẩu đậu tương tuần này sẽ đạt 200.000 - 500.000 tấn cho niên vụ 2024-25 và 350.000 - 500.000 tấn cho niên vụ 2025-26.
Cùng lúc, Bộ cũng gây bất ngờ khi hạ dự báo lượng đậu tương tồn kho nội địa cho cả hai niên vụ này trong báo cáo công bố đầu tuần.
Một yếu tố hỗ trợ khác là đề xuất kéo dài tín dụng thuế nhiên liệu sạch (45Z) đến hết năm 2031 vừa được Hạ viện Mỹ đưa ra. Điều này có thể giúp duy trì nhu cầu sử dụng dầu đậu nành trong ngành sản xuất diesel sinh học.
Trên thị trường sản phẩm chế biến, dầu đậu nành tháng 7 (BON25) tăng mạnh 0,84 cent lên 52,32 cent/pound, cho thấy đây là mức cao nhất kể từ năm 2023. Trong khi đó, bột đậu nành tháng 7 (SMN25) giảm 1,40 USD, còn 291,90 USD/tấn ngắn.