![]() |
Thị trường nhóm nông sản 19/5: Lúa mì và ngô biến động trái chiều, đậu tương quay đầu giảm mạnh |
Thị trường lúa mì: Giá lúa mì tăng khi nhu cầu nhập khẩu và năng suất cải thiện
Phiên giao dịch thứ Năm ghi nhận đà tăng của giá lúa mì trên Sàn CBOT khi mức giá thấp đã kích thích lực mua đối với lúa mì Mỹ. Hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa đông tháng 7 (WN25) tăng 8 cent, chốt phiên ở mức 5,32-3/4 USD/giạ. Hợp đồng lúa mì đỏ cứng mùa đông cùng kỳ hạn (KWN25) nhích 5,25 cent lên 5,2825 USD/giạ, còn lúa mì xuân tháng 7 tại Minneapolis (MWEN25) tăng nhẹ 3 cent, đạt 5,80 USD/giạ.
Nhu cầu nhập khẩu tăng cao đến từ việc Ả Rập Xê Út thông báo mở thầu mua 655.000 tấn lúa mì cho kỳ giao hàng từ tháng 8 đến tháng 10/2025. Cùng lúc đó, theo số liệu từ USDA, xuất khẩu lúa mì trong tuần kết thúc ngày 8/5 đạt 804.800 tấn – vượt kỳ vọng giới phân tích.
Tại nội địa Mỹ, chuyến khảo sát đồng ruộng thường niên của Hội đồng Chất lượng Lúa mì ước tính năng suất lúa mì tại Kansas đạt 53 giạ/mẫu – cao nhất kể từ năm 2021 và vượt xa mức trung bình 5 năm là 44,3 bpa. Kết quả khả quan này nhờ lượng mưa tốt trong tháng 4, phần nào giảm thiểu tác động của hạn hán kéo dài.
Thị trường ngô: Giá ngô phân hóa, phụ thuộc vào thời tiết và dự báo sản lượng Brazil
Thị trường ngô Mỹ ghi nhận diễn biến trái chiều trong phiên. Hợp đồng ngô tháng 7 (CN25) tăng 3 cent lên 4,4805 USD/giạ, trong khi hợp đồng tháng 12 (CZ25) – đại diện cho vụ thu hoạch chính giảm 1,75 cent, chốt tại 4,3875 USD/giạ.
Sản lượng ngô toàn cầu được kỳ vọng tăng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Cơ quan Conab của Brazil dự báo sản lượng ngô vụ hai năm nay sẽ tăng 11%, đạt 99,8 triệu tấn, với lý do thời tiết tốt tại các vùng trồng trọng điểm.
Chủ tịch Hiệp hội ngô Abramilho – ông Paulo Bertolini nhận định tổng sản lượng ngô Brazil niên vụ 2024/25 có thể đạt 125 triệu tấn. Ngoài ra, ông cũng lưu ý lượng tiêu thụ ngô để sản xuất ethanol có thể sớm tăng gấp đôi trong thời gian tới.
Ở chiều xuất khẩu, USDA báo cáo khối lượng xuất khẩu ngô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 8/5 đạt hơn 2,18 triệu tấn – cao hơn nhiều so với dự đoán.
Thị trường đậu tương: Đậu tương quay đầu giảm mạnh do áp lực từ dầu đậu và chính sách nhiên liệu sinh học
Sau khi chạm đỉnh 10 tháng trong phiên trước, giá đậu tương kỳ hạn đã giảm sâu trong phiên thứ Năm, chịu tác động tiêu cực từ đà lao dốc của giá dầu đậu nành. Hợp đồng đậu tương tháng 7 (SN25) giảm 26,05 cent, chốt tại 10,5125 USD/giạ.
Áp lực chủ yếu đến từ hợp đồng dầu đậu nành hoạt động mạnh nhất (ZL1!), khi giá giảm kịch sàn về mức 49,32 cent/pound – mức giới hạn hàng ngày. Hợp đồng dầu đậu tháng 7 (BON25) cũng hạ 3 cent, đóng cửa tại cùng mức 49,32 cent/pound.
Đà giảm của dầu đậu bắt nguồn từ những lo ngại mới liên quan đến chính sách nhiên liệu sinh học tại Mỹ. Có tin đồn rằng mục tiêu sản lượng diesel tái tạo cho năm tới đang được điều chỉnh giảm mạnh, thấp hơn mức 5,25 tỷ gallon do các hiệp hội năng lượng đề xuất.
Sự lạc quan gần đây về khả năng nối lại tín dụng thuế nhiên liệu sinh học và tạm ngừng xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng đã dịu bớt khi chưa có thêm thông tin rõ ràng về kết quả đàm phán. Công ty AgResource cảnh báo nếu xung đột thương mại không được giải quyết, xuất khẩu đậu tương Mỹ có thể giảm tới 20%, kéo giá xuống sâu hơn.
Ở chiều ngược lại, hợp đồng bột đậu tương tháng 7 (SMN25) tăng 4,5 USD, lên mức 296,40 USD/tấn ngắn, phản ánh nhu cầu tiêu thụ nội địa ổn định hơn so với dầu đậu nành.