![]() |
Ngành du lịch Việt Nam cần đột phá chiến lược để trở thành trụ cột nền kinh tế |
Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, du lịch sẽ không chỉ là ngành kinh tế quan trọng mà còn là động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng bền vững giai đoạn 2025-2035. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ được ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, nhấn mạnh tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) diễn ra mới đây.
Du lịch Việt Nam là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành cao, kết nối hơn 50 lĩnh vực từ vận tải, lưu trú, ẩm thực đến công nghệ và văn hóa. Năm 2024, Việt Nam đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa, đóng góp khoảng 8% GDP và tạo ra gần 6 triệu việc làm trên cả nước. Đó là những kết quả ấn tượng sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ hậu COVID-19.
Nhận thức được vai trò chiến lược đó, Đảng và Nhà nước ta đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn từ sớm. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đã đặt nền móng cho phát triển bứt phá của ngành du lịch, khẳng định vị thế then chốt của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế. Kể từ đó, hàng loạt văn bản pháp lý quan trọng được ban hành nhằm cụ thể hóa định hướng này. Luật Du lịch 2017 (số 09/2017/QH14) ra đời, thay thế luật 2005, đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho hoạt động du lịch và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay, đã có hơn 20 văn bản pháp quy (luật, nghị định, quyết định, thông tư) được ban hành để triển khai Nghị quyết 08, tập trung cải cách thủ tục hành chính, huy động nguồn lực tư nhân và thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, dù ngành du lịch đã có nhiều bước tiến nhưng tiềm năng thực sự còn lớn hơn rất nhiều. Chính phủ mới đây đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024), trong đó đặt ra những mục tiêu rất cao cho ngành du lịch trong hai thập niên tới. Theo đó, dự báo đến năm 2030, du lịch có thể đóng góp gần 16% GDP, mang về 115 tỷ USD tổng thu. Xa hơn, đến 2045, mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thu hút 70 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu đạt 120 tỷ USD, đóng góp 17-18% GDP và tạo từ 10-12 triệu việc làm.
"Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ngành du lịch vẫn đối mặt với không ít thách thức. Chúng ta cần những giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách và nguồn lực để tạo bước phát triển nhảy vọt cho du lịch trong giai đoạn tới", ông Kỳ chia sẻ.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings |
Mặc dù đóng vai trò quan trọng, hệ sinh thái du lịch Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều điểm nghẽn. Theo ông Kỳ, liên kết giữa các thành tố trong ngành, từ lữ hành, lưu trú, vận tải, ăn uống còn lỏng lẻo, chủ yếu mang tính tự phát, thiếu chiến lược dài hạn. Sự mất cân đối cũng rõ ràng, trong khi bất động sản du lịch thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ thì các doanh nghiệp tổ chức tour, đặc biệt là outbound/inbound chuyên nghiệp lại thiếu vốn, thiếu công nghệ, thậm chí không có chiến lược thương hiệu.
Cuối năm 2023, cả nước có trên 14.000 doanh nghiệp lữ hành nhưng hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quy mô dưới 50 nhân sự. Rất ít đơn vị đủ sức tổ chức tour chuyên sâu, xây dựng hệ thống phân phối bài bản trên toàn quốc hoặc cạnh tranh ở thị trường quốc tế.
Ông Kỳ thông tin thêm, một trong những điểm yếu lớn nhất là mạng lưới xúc tiến du lịch quốc tế. Trong khi Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Malaysia có hàng chục văn phòng xúc tiến ở nước ngoài, Việt Nam vẫn còn thiếu một mạng lưới xúc tiến bài bản và chuyên nghiệp ở thị trường nước ngoài. Điều này khiến chúng ta bị động trong quảng bá hình ảnh, thu hút khách và phát triển thị trường chiến lược.
Từ thực tế nêu trên, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất bốn nhóm giải pháp then chốt để ngành du lịch Việt Nam bứt phá trong giai đoạn tới:
Thứ nhất, với 1 ngành kinh tế dự báo đóng góp trên 15% GDP quốc gia thì phải xác định vị thế đúng là 1 ngành kinh tế mũi nhọn. Rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế, ban hành chính sách mới và đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho ngành du lịch phù hợp với vị thế và vai trò của 1 ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam
Thứ hai, về chiến lược cần ban hành Luật Du lịch mới dưới ánh sáng của bộ tứ Nghị quyết mà Trung ương mới ban hành. Đồng thời cũng nhằm cập nhật những nội dung đã lỗi thời và đang gây rủi ro cho các doanh nghiệp du lịch làm ăn chân chính, bổ sung thêm định hướng du lịch số, kinh tế đêm, ESG (bộ tiêu chuẩn sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững của doanh nghiệp), các mục tiêu lớn cụ thể… theo kịp với tình hình phát triển du lịch thế giới và thực tế tại Việt Nam. Lập Chiến lược Du lịch quốc gia 2026–2035 và đưa phát triển du lịch vào chương trình mục tiêu quốc gia với các tiêu chí phải đạt cụ thể.
Thứ 3, thúc đẩy kinh tế tư nhân - theo tinh thần của Nghị quyết số 68: Ưu đãi thuế, đất, tín dụng cho doanh nghiệp tổ chức du lịch phát triển sản phẩm du lịch mới như mobile home, caravan, phát động thị trường mới trọng điểm đem lại nguồn khách và nguồn thu cho quốc gia.
Cuối cùng, cần có cơ chế hợp tác công tư PPP trong công tác quảng bá, xúc tiến… Ví dụ, Vietravel có thể tiên phong phối hợp với cơ quan quản lý thành lập các trung tâm xúc tiến du lịch ở nước ngoài theo mô hình công - tư, tổ chức các chương trình roadshow, giao lưu nhân dân tại các thị trường mới để giới thiệu trực tiếp sản phẩm du lịch. Việc này giúp chia sẻ gánh nặng ngân sách, đồng thời phát huy sự năng động và hiệu quả của khu vực tư nhân. Để PPP thành công, Chính phủ cần ban hành chính sách rõ ràng về phân chia lợi ích, cơ chế bảo lãnh rủi ro doanh thu để tạo niềm tin cho nhà đầu tư tư nhân.
Với quyết tâm đổi mới và sự đồng hành giữa Nhà nước và doanh nghiệp, ngành du lịch Việt Nam được kỳ vọng hoàn toàn có thể bứt phá, vươn lên trở thành trụ cột kinh tế, đưa hình ảnh đất nước tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới.