Tăng trưởng kinh tế đạt 8,12%
UBND tỉnh An Giang vừa tổ chức thành công hội nghị trực tuyến với các xã, phường, đặc khu về triển khai kế hoạch tăng trưởng, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm 2025 và đánh giá hoạt động của mô hình chính quyền 2 cấp.
![]() |
Ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Hồ Văn Mừng - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng kinh tế của tỉnh An Giang đạt 8,12%; là 1 trong 17 tỉnh có chỉ số tăng trưởng kinh tế cao hơn mức 8%, nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội so với cùng kỳ đạt và vượt; bộ máy vận hành thông suốt, phục vụ người dân tương đối đầy đủ.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,42%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,33%; khu vực dịch vụ tăng 10,8%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như: Thủy sản đông lạnh, gạo xay xát, quần áo may sẵn, giày dép da, cá hộp, khai thác đá và điện thương phẩm được mở rộng quy mô sản xuất, góp phần giữ ổn định tăng trưởng toàn ngành công nghiệp.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn cơ bản duy trì ổn định. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, kết nối thị trường, thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Một số nhóm hàng như thủy sản, dệt may, da giày và rau quả ghi nhận mức tăng trưởng tốt, góp phần tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung.
Hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư với nhiều dự án trọng điểm đang triển khai như: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau; công trình cầu Vàm Xáng - Thị Đội huyện Giồng Riềng; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận… |
Tỉnh cũng tích cực phối hợp thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án ngành xây dựng phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2027; kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc và Cảng hàng không Rạch Giá theo quy hoạch.
Giải ngân tối thiểu 70% vốn đầu tư công
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng yêu cầu các sở, ngành theo thẩm quyền chủ động, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, kiến nghị của địa phương. Thực hiện công việc theo tinh thần 6 rõ (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền); đoàn kết thống nhất, giữ gìn nội bộ; chủ động trách nhiệm, nhất là 102 xã, phường, đặc khu, năng động sáng tạo.
![]() |
Dự án phục vụ APEC 2027 đang thi công tại Đặc khu Phú Quốc. |
Về nhiệm vụ, giải pháp, ông Hồ Văn Mừng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có kế hoạch chi tiết về tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp chế biến, thu ngân sách, thương mại, du lịch; tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến. Tập trung thực hiện 4 nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh; có lộ trình cụ thể, bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ.
Về hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp, ông Hồ Văn Mừng giao Sở Nội vụ tập huấn cho các địa phương, Sở Tài Chính tham mưu UBND tỉnh giải quyết các kiến nghị của địa phương liên quan đến cơ sở vật chất, đường truyền trực tuyến.
Ông Hồ Văn Mừng cũng yêu cầu đến ngày 30/9/2025 tất cả các dự án phải giải ngân vốn đầu tư công tối thiểu 70%; khẩn trương thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng; xây dựng đề án về tổ chức các hoạt động hội nghị APEC 2027. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa, sớm khắc phục các điểm nghẽn, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2025, tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, các bản án hành chính. Đảm bảo an ninh biên giới, kiểm soát buôn lậu, ma túy, xử lý nghiêm các tội phạm…
Vận hành chính quyền 2 cấp hiệu quả Từ ngày 01/7/2025, tỉnh An Giang mới chính thức vận hành bộ máy chính quyền theo mô hình 2 cấp. Sau 2 tuần triển khai, bước đầu đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Điều đáng mừng là trong những ngày đầu triển khai, bộ máy chính quyền mới ở An Giang không hề bị "ngợp" hay "nghẽn". Tại các địa phương, như xã Tri Tôn, xã Vĩnh An… cán bộ, công chức từ cấp huyện được điều chuyển, sắp xếp hợp lý về các sở, ngành cấp tỉnh, hoặc về làm cán bộ, chuyên viên tại các xã, phường. Việc vận hành diễn ra trơn tru, công việc được xử lý thông suốt, các đầu mối không bị đứt đoạn.
Báo cáo của Sở Nội vụ An Giang cho hay, 102 xã, phường, đặc khu sau sắp xếp của tỉnh An Giang đã tổ chức vận hành thử nghiệm các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, MTTQ cấp xã và Trung tâm Phục vụ hành chính công. Ngay sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối đến 102 điểm cầu cấp xã để đánh giá rút kinh nghiệm. Theo đánh giá bước đầu từ các tổ công tác của Tỉnh ủy, việc vận hành thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, đúng như kỳ vọng. Các xã đã chủ động triển khai tốt các phần việc theo yêu cầu, sự sẵn sàng cao độ cho giai đoạn chính thức, hoạt động trọng tâm đã được vận hành nhịp nhàng. Ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy An Giang - đề nghị, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát lại công tác tổ chức bộ máy, đánh giá cán bộ; quy chế làm việc của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; kịp thời bổ sung, điều chỉnh phù hợp, để bộ máy vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Hiện tại, tỉnh An Giang tiếp tục đánh giá định kỳ việc vận hành mô hình mới, đồng thời điều chỉnh kịp thời những điểm còn vướng, nhằm đảm bảo hệ thống chính quyền 2 cấp thực sự hiệu quả, ổn định và thông suốt. Sự đổi mới của chính quyền tỉnh An Giang giai đoạn này là một bước chuyển mạnh từ tư duy "quản lý hành chính" sang "phục vụ người dân". Trong đó, đội ngũ công chức cấp xã đóng vai trò then chốt, như những "trạm đầu" của hệ thống công quyền, nơi mà sự chuyên nghiệp, tận tâm sẽ quyết định người dân có hài lòng hay không. |