Bài liên quan |
Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng: 'Cú hích'' thúc đẩy kinh tế Việt Nam nâng tầm vị thế quốc tế |
“Bộ ba quyền lực” quan trọng kích hoạt kinh tế Việt Nam trong tương lai |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trong bối cảnh "khó khăn chồng chất khó khăn, thách thức tiếp nối thách thức", nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà phục hồi tích cực, với nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt kết quả vượt kỳ vọng. Tăng trưởng quý II ghi nhận sự bứt phá rõ nét, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,65%, góp phần đưa mức tăng trưởng ngành này trong 6 tháng đạt 10% – mức cao hiếm thấy trong 14 năm qua.
Xuất khẩu 6 tháng tăng 14,4%, đạt xuất siêu hơn 7,6 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3%; khách quốc tế đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng hơn 20%. Đáng chú ý, thu ngân sách, FDI, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại thị trường đều có mức tăng mạnh, thể hiện sức sống bền bỉ của nền kinh tế.
Tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt trên 21,5 tỷ USD – cao nhất từ năm 2009 đến nay, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%. Riêng tháng 6, số doanh nghiệp đăng ký mới đạt gần 24.400, mức cao nhất từ trước đến nay, với tổng vốn gần 177.000 tỷ đồng.
Tính chung, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ - con số thể hiện rõ niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng nền kinh tế.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng |
Một điểm nhấn quan trọng khác trong báo cáo của Bộ trưởng là kết quả bước đầu trong đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Ngày 2/7, hai bên đã thống nhất Tuyên bố chung về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng – động thái được kỳ vọng mở ra không gian hợp tác mới, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.
Trong cùng thời gian, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, tái khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực đột phá.
Cùng với đó, ngày 30/6, toàn bộ 34 địa phương đã đồng loạt công bố Nghị quyết và quyết định của Trung ương, hoàn tất việc sắp xếp đơn vị hành chính, chính thức đưa mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp đi vào vận hành từ 1/7/2025.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thẳng thắn chỉ rõ những thách thức trong 6 tháng cuối năm, bao gồm sức ép lên kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá; những bất cập trong hoàn thiện thể chế, pháp luật; đời sống còn khó khăn của một bộ phận người dân.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và ổn định vĩ mô, Bộ trưởng đề xuất 7 nhóm giải pháp trọng tâm trong tháng 7 và quý III:
Khẩn trương ban hành và triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết mới.
Theo dõi sát hoạt động của chính quyền hai cấp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong phân cấp, phân quyền.
Thúc đẩy xuất khẩu và thương mại quốc tế theo hướng bền vững, hài hòa.
Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tăng tốc các động lực tăng trưởng cả truyền thống (đầu tư, tiêu dùng) và mới (đổi mới sáng tạo).
Điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ưu tiên đầu tư cho giáo dục vùng sâu vùng xa, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó thiên tai.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đặt mục tiêu thu ngân sách năm 2025 tăng 15% so với dự toán, tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt 16% GDP; đồng thời phấn đấu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong những tháng cuối năm để dành nguồn lực cho xây dựng trường học bán trú, nội trú vùng khó khăn.