Việc xây dựng TTTC quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là TTTC thành phố Đà Nẵng) mang tầm nhìn quốc gia với nhiều nội dung phức tạp và chưa có tiền lệ.
![]() |
Vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao sự chủ động, tích cực phối hợp của Đà Nẵng và các đơn vị liên quan trong triển khai các nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế. |
Theo định hướng tại Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 26/4/2025 của Thành uỷ Đà Nẵng về Xây dựng TTTC quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng, TTTC thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành TTTC xanh, thông minh và đổi mới sáng tạo, vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và trung tâm tài chính lớn trên thế giới, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, thúc đẩy dòng vốn và công nghệ gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố Đà Nẵng và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.
![]() |
Lãnh đạo TP.Đà Nẵng quyết tâm phấn đấu đến năm 2030, xây dựng và vận hành có hiệu quả TTTC thành phố thu hút các đối tác chiến lược, định chế tài chính, dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ pháp lý và đơn vị tư vấn luật, kế toán, kiểm toán… quốc tế và trong nước đầu tư và hoạt động tại Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng. |
TTTC TP. Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm đổi mới, xanh và đầu tư bền vững cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; trung tâm khu vực về tài trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp; trung tâm thanh toán số và đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ trong lĩnh vực tài chính.
Về mô hình hoạt động, TTTC thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung các lĩnh vực chuyên biệt như tài chính xanh, tài chính thương mại phục vụ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức và cá nhân không cư trú (như dịch vụ tài chính offshore), các hoạt động thương mại xuyên biên giới gắn với Khu thương mại tự do, các khu công nghệ cao, khu kinh tế mở, khu công nghiệp…
Ngoài ra, sẽ thử nghiệm có kiểm soát một số mô hình mới như tài sản số, tiền số, thanh toán, chuyển tiền kỹ thuật số, thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối, công ty quản lý quỹ vừa và nhỏ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp giải pháp tài chính phục vụ đời sống tiêu dùng, du lịch, thương mại, logistics để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị - kinh tế và môi trường sống, hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của thành phố; các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, phát triển các dịch vụ pháp lý có liên quan.
Về chức năng, TTTC thành phố sẽ là cầu nối đầu tư khu vực, cung cấp giải pháp tín dụng thương mại và tài chính cho các hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam, hỗ trợ hệ thống chuyển tiền, thanh toán kỹ thuật số cho các giao dịch xuyên biên giới trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đồng thời, TTTC thành phố còn thực hiện chức năng thúc đẩy các ngành kinh tế mới và công nghệ, kết nối với các trung tâm tài chính lớn. Cũng sẽ là cửa ngõ cho hội nhập tài chính khu vực. Tại đây sẽ thiết lập nền tảng giao dịch tài chính xanh, thu hút và luân chuyển dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cung cấp dịch vụ tài chính đa dạng và chuyên biệt, giúp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn, quản lý rủi ro và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Trung Đông, Thuỵ Sĩ rất quan tâm đến việc phát triển TTTC Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị - kinh tế quan trọng trong hành lang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và môi trường sống, hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của thành phố.
Điều này tạo nên sự kết hợp khác biệt giữa các dịch vụ tài chính truyền thống và công nghệ tiên tiến hàng đầu, thúc đẩy giao lưu, hợp tác và đầu mối giao thương của tất cả các bên trong chuỗi giá trị toàn cầu đang dịch chuyển.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn trên hành trình hình thành TTTC quốc tế Việt Nam; thời gian qua, Đà Nẵng chủ động tăng cường tiếp xúc với các nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế, đại diện các quốc gia có mô hình trung tâm tài chính, đơn vị tư vấn hỗ trợ, cung cấp một số mẫu hình trung tâm tài chính trên thế giới gắn với các đặc điểm mô hình, lĩnh vực trọng tâm, các chính sách và chiến lược phát triển cơ bản.
“Đây là định hướng phù hợp với thực tiễn phát triển và thời cơ mới từ việc hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Khu thương mại tự do Đà Nẵng, phát huy được các điều kiện, lợi thế của thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, đáp ứng sự quan tâm của các tổ chức, quỹ đầu tư, nhà đầu tư, kinh doanh thương mại quốc tế đặt ra khi nghiên cứu đầu tư vào thành phố Đà Nẵng, mở ra triển vọng đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư - thương mại - tài chính - công nghệ của quốc gia, khu vực”.
Có thể nói, Đà Nẵng đang triển khai những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và có trọng tâm, trọng điểm để sớm hoàn tất các công đoạn chuẩn bị, sẵn sàng cho việc xây dựng và vận hành TTTC quốc tế Việt Nam tại Đà Nẵng. Từ đó, giúp Việt Nam đón đầu làn sóng dịch chuyển tài chính toàn cầu, tăng khả năng thu hút dòng vốn ngoại, góp phần nâng tầm vị thế quốc gia.