Sáng 20/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình dự án luật. |
Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự là đề xuất bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 8 trong số 18 tội danh hiện đang có khung hình phạt tử hình, chiếm tỷ lệ 44,44%. Thay vào đó, các tội danh này sẽ áp dụng hình phạt tù chung thân không được xét giảm án.
Cụ thể, 8 tội danh dự kiến bỏ hình phạt tử hình gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).
Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, sau hơn 8 năm thi hành, Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2017) bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là liên quan đến hình phạt tử hình. Một số quy định chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, cũng như thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngoài ra, các mức hình phạt tù và phạt tiền hiện tại còn thiếu tính răn đe đối với những loại tội phạm phức tạp như tội phạm ma túy, môi trường, hàng giả, an toàn thực phẩm…Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự là cần thiết và khách quan.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định không thi hành án tử hình đối với một số trường hợp đặc biệt như người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS…
Về nội dung sửa đổi này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, có hai luồng ý kiến:
Ý kiến thứ nhất đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc bỏ án tử hình đối với 8 tội danh nêu trên, thay bằng tù chung thân không xét giảm án.
Ý kiến thứ hai ủng hộ việc tiếp tục xem xét bỏ hình phạt tử hình, nhưng cho rằng cần cân nhắc kỹ với từng tội danh cụ thể trong đợt sửa đổi này, để không ảnh hưởng tới hiệu quả răn đe và phòng ngừa tội phạm. Nhóm ý kiến này đặc biệt lưu ý không nên vội vàng bỏ án tử hình đối với các tội danh như tham ô, nhận hối lộ và vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra ủng hộ quan điểm thứ hai, ông Tùng cho biết.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất tăng mức hình phạt tù và phạt tiền đối với một số tội danh liên quan đến môi trường, sản xuất - buôn bán hàng giả, hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh… nhằm nâng cao tính răn đe và hiệu quả phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhìn chung đồng tình với việc tăng mức hình phạt tù đối với tội phạm môi trường, ma túy, vi phạm an toàn thực phẩm, nhưng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ căn cứ của việc nâng mức hình phạt để tăng tính thuyết phục, đồng thời bảo đảm hình phạt tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội.
Về hình phạt tiền, cơ quan thẩm tra tán thành với đề xuất nâng mức phạt tiền (cả hình phạt chính và bổ sung) lên gấp đôi đối với một số tội danh thuộc các chương tội phạm về môi trường, an toàn công cộng, trật tự công cộng. Một số ý kiến cũng đề nghị tuân thủ theo nguyên tắc trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về ưu tiên áp dụng phạt tiền trong cùng khung hình phạt có cả phạt tù và phạt tiền, đặc biệt với tội phạm kinh tế, môi trường.
Cơ quan thẩm tra cũng đề xuất mức phạt tiền cần được điều chỉnh phù hợp và yêu cầu người phạm tội phải khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra.
Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo thủ tục rút gọn ngay tại kỳ họp thứ 9. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đồng ý với đề xuất này và thống nhất thời điểm luật có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức lại bộ máy nhà nước và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.