Đề xuất thay thế tử hình bằng hình phạt tù chung thân không được giảm án
Theo dự thảo, Bộ Công an kiến nghị bãi bỏ án tử hình đối với 8 trong tổng số 18 tội danh hiện đang có khung hình phạt cao nhất là tử hình, chiếm tỷ lệ 44,44%.
Cụ thể, 5 tội danh được đề xuất thay thế tử hình bằng hình phạt tù chung thân không được giảm án, bao gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109), Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nhà nước (Điều 114), Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194), Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Ngoài ra, 3 tội danh khác cũng được đề xuất bãi bỏ tử hình, thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án, gồm: Gián điệp (Điều 110), Tham ô tài sản (Điều 353), Nhận hối lộ (Điều 354).
![]() |
Một bị cáo bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên án tử hình. |
Lý do đề xuất bỏ tử hình
Theo Bộ Công an, việc duy trì án tử hình đối với một số tội danh hiện nay không còn thực sự cần thiết, do tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội không còn quá đặc biệt nghiêm trọng.
Thực tế xét xử trong những năm gần đây cũng cho thấy, nhiều tội danh như tham ô tài sản, nhận hối lộ, hay sản xuất, buôn bán thuốc giả rất ít khi bị áp dụng hình phạt tử hình. Thậm chí, có những tội danh như lật đổ chính quyền hay phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật hầu như không còn bị áp dụng mức án cao nhất này.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng chỉ ra những bất cập trong việc xác định khung hình phạt hiện hành, khi mức định lượng trong các tội ma túy, ví dụ như 100g heroin hay cocaine trở lên, cùng lúc bị áp dụng ba mức án: 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, khiến việc xét xử thiếu thống nhất.
Đề xuất lần này dựa trên cơ sở Đề án của Đảng ủy Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đã được trình lên Bộ Chính trị xem xét. Đề án nhằm rà soát, đánh giá các bất cập trong hệ thống luật hình sự hiện hành, đề xuất giảm bớt các tội danh có thể áp dụng án tử hình, đồng thời tăng cường áp dụng hình phạt tù thay thế tử hình trong các trường hợp phù hợp.
Quy định hiện hành về hình phạt tử hình
Theo Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tử hình là hình phạt đặc biệt, chỉ áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, thuộc các nhóm tội: xâm phạm an ninh quốc gia, tính mạng con người, ma túy, tham nhũng và một số tội nghiêm trọng khác.
Tử hình không áp dụng với người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội. Ngoài ra, nếu người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc nhạn hối lộ đã tự nguyện nộp lại ít nhất 3/4 số tài sản vi phạm và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng thì cũng có thể không thi hành án tử. Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét theo trình tự rút gọn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2025.
Danh sách 18 tội hiện vẫn có khung tử hình Hiện Bộ luật Hình sự vẫn quy định 18 tội danh có mức án cao nhất là tử hình, bao gồm: Tội phản bội Tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền; Tội gián điệp; Tội bạo loạn; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật; Tội giết người; Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Các tội danh liên quan đến ma túy: sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép; Tội khủng bố; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh. |