Bài liên quan |
Vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tháng 10 tăng 65,4% |
Đề xuất mở rộng đối tượng được thành lập doanh nghiệp |
Hà Nội triển khai 2 điểm tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp |
Tại phiên thảo luận sáng 20/5 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, một đề xuất đáng chú ý từ đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đã tạo nên làn sóng quan tâm: Cho phép người từ 16 tuổi được quyền tham gia góp vốn và thành lập doanh nghiệp.
Theo ông Phan Đức Hiếu, đề xuất này không đi ngược với tinh thần pháp luật Việt Nam mà còn phù hợp với xu hướng trao quyền sớm cho giới trẻ. Ông dẫn chứng: Theo Bộ luật Dân sự, trẻ em được định nghĩa là người dưới 16 tuổi; người từ 15 tuổi trở lên đã có thể ký kết hợp đồng dân sự và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đồng thời, đây cũng là độ tuổi lao động hợp pháp theo quy định hiện hành.
Việc cho phép người từ 16 tuổi thành lập doanh nghiệp không những phù hợp với hệ thống pháp luật hiện tại mà còn góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, định hướng nghề nghiệp và phát triển năng lực kinh doanh từ sớm cho thế hệ trẻ.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình) |
Bên cạnh việc bảo vệ quyền cá nhân theo độ tuổi, đề xuất này còn được đặt trong một chiến lược rộng hơn, đó là triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, như Nghị quyết 68. Việc mở rộng không gian pháp lý cho người trẻ tham gia khởi nghiệp chính là cách tạo ra thế hệ doanh nhân mới năng động, sáng tạo, tiếp cận sớm với mô hình kinh doanh hiện đại.
Tuy nhiên, đề xuất cũng đặt ra câu hỏi về năng lực quản lý và trách nhiệm pháp lý của người chưa thành niên khi tham gia điều hành doanh nghiệp – một vấn đề được đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) thẳng thắn đề cập. Theo ông, Luật Doanh nghiệp hiện hành đã có quy định khá rõ ràng về quyền thành lập, góp vốn và quản lý doanh nghiệp. Mặc dù pháp luật không cấm người chưa thành niên góp vốn, nhưng vai trò điều hành doanh nghiệp – vốn đòi hỏi năng lực hành vi dân sự đầy đủ – cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh rủi ro pháp lý.