Đề xuất mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía Đông lên 6 làn xe Bộ Xây dựng giải ngân chậm, gánh áp lực gần 10.000 tỷ đồng tháng 5 |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký công điện yêu cầu các Cục, Vụ và đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây là một bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Công điện nêu rõ: việc phân cấp, phân quyền phải được thực hiện triệt để, đồng bộ, phù hợp với chức năng quản lý vĩ mô của các bộ, cơ quan trung ương, đồng thời trao quyền rõ ràng, minh bạch cho địa phương. Chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã phải được “quyết, làm và chịu trách nhiệm” trên từng lĩnh vực được phân công, không phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến từ cấp trên như trước đây.
Theo yêu cầu của Bộ trưởng, trước ngày 19/5, tất cả các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng phải hoàn tất việc rà soát tổng thể hệ thống pháp luật liên quan gồm luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng, thông tư… để thống kê đầy đủ những nội dung đang điều chỉnh về nhiệm vụ, thẩm quyền của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
![]() |
Bộ Xây dựng thúc mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương. |
Các đơn vị phải làm rõ: đâu là nhiệm vụ đang do Trung ương quyết định nhưng có thể giao lại cho địa phương; đâu là thủ tục địa phương vẫn phải xin ý kiến Bộ Xây dựng, Chính phủ, Thủ tướng nhưng thực tế hoàn toàn có thể tự quyết. Việc này không chỉ giúp giảm tải cho cơ quan Trung ương mà còn thúc đẩy tính chủ động, linh hoạt tại cơ sở.
Trên cơ sở kết quả rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng sẽ đề xuất cụ thể phương án phân cấp, phân quyền theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Việc phân định thẩm quyền này nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước, tăng cường tính chủ động, linh hoạt và trách nhiệm của từng cấp chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể, quá trình đề xuất sẽ tập trung vào bốn hướng chính: chuyển giao một số nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền địa phương; phân quyền từ Chính phủ, Thủ tướng xuống các bộ, ngành và địa phương; giao lại một số thẩm quyền của các bộ, ngành cho cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời, cân nhắc chuyển nhiệm vụ giữa UBND, HĐND cấp huyện và cấp xã hoặc cấp tỉnh, tùy thuộc vào tính chất công việc và yêu cầu điều hành thực tế.
Đặc biệt, mỗi đề xuất phải đi kèm với giải trình rõ ràng về lý do, cơ sở pháp lý và thực tiễn. Nếu có nhiệm vụ nào không đề xuất phân cấp thì cũng phải nêu lý do cụ thể, tránh tình trạng giữ lại thẩm quyền một cách máy móc.
Song song với việc phân quyền, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu rà soát các vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện theo đề án tổ chức lại chính quyền địa phương. Đây là bước chuẩn bị quan trọng nhằm bảo đảm không xảy ra “khoảng trống quyền lực” hay gián đoạn điều hành khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp.
Trước ngày 23/5, các đơn vị phải tham mưu, đề xuất văn bản hướng dẫn xử lý các nội dung cần chuyển tiếp như: giao tiếp công việc, trách nhiệm giải quyết hồ sơ, thẩm quyền xử lý dự án đang triển khai dở dang, và đặc biệt là bảo đảm quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi.
Bộ cũng khuyến khích các đơn vị chủ động đề xuất ban hành Nghị định riêng cho các lĩnh vực đặc thù như xây dựng, giao thông, quy hoạch đô thị nếu thấy cần thiết để đẩy nhanh tiến trình phân quyền.
Việc này nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tế quản lý từng lĩnh vực chuyên sâu, thay vì “gò bó” vào một khung pháp lý chung cho tất cả. Mỗi lĩnh vực đều có đặc thù riêng nên cần cơ chế phân quyền phù hợp để phát huy tối đa năng lực quản lý của chính quyền cơ sở.
Chủ trương phân cấp, phân quyền không chỉ là cải cách hành chính mà còn là bước đi quyết định để đưa chính quyền gần dân hơn, linh hoạt hơn và đáp ứng nhanh hơn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Mô hình tổ chức chính quyền hai cấp là cơ hội để địa phương thể hiện vai trò trung tâm trong điều hành, quản lý và phát triển, từ đó thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Bộ Xây dựng cam kết sẽ đồng hành, giám sát chặt chẽ và hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai, bảo đảm mọi hoạt động không bị gián đoạn, nhất là các lĩnh vực liên quan đến quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật.