Bộ Xây dựng quyết định cắt giảm mạnh các điều kiện đầu tư kinh doanh Đề xuất mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía Đông lên 6 làn xe |
Tính đến hết ngày 30/4/2025, Bộ Xây dựng mới giải ngân được khoảng 13.200 tỷ đồng, tương đương gần 16% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong tổng số hơn 83.746 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công được phân bổ. Tỷ lệ này cho thấy tốc độ giải ngân vẫn còn chậm, tạo sức ép lớn trong các tháng tiếp theo, đặc biệt là tháng 5, khi số vốn cần giải ngân lên tới 9.566 tỷ đồng, bao gồm cả phần chậm lũy kế từ những tháng trước (khoảng 3.694 tỷ đồng).
Trước áp lực đó, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Xây dựng) đã khẩn thiết yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tranh thủ thời tiết thuận lợi để tăng tốc thi công, đồng thời giải quyết triệt để các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, thủ tục thanh toán, và đẩy nhanh công tác nghiệm thu khối lượng đã hoàn thành.
Việc giải ngân chậm không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách mà còn ảnh hưởng đến tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự án đang gấp rút triển khai để hoàn thành trước năm 2026 theo chỉ đạo của Chính phủ.
![]() |
Bộ Xây dựng giải ngân chậm, gánh áp lực gần 10.000 tỷ đồng tháng 5. (Ảnh: Minh họa) |
Theo báo cáo từ các chủ đầu tư, một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân toàn ngành, nổi bật là các trường đại học như: Đại học Kiến trúc Hà Nội (đạt 32%), Đại học Xây dựng Miền Tây (27%), cùng các Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa (32,5%), Ninh Bình (29,5%), và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (trên 21%). Các ban quản lý dự án giao thông lớn như Ban QLDA Mỹ Thuận, Ban QLDA 2, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng đạt trên 18%.
Mặc dù vậy, để hoàn thành kế hoạch giải ngân hơn 95.000 tỷ đồng trong năm 2025 (bao gồm vốn giao mới, vốn kéo dài và vốn bổ sung), tốc độ giải ngân cần được đẩy mạnh hơn nữa trong các tháng tới. Bộ Xây dựng đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung hơn 6.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 - 2023 cho các dự án chiến lược như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Cam Lộ - La Sơn...
Bên cạnh đó, Bộ cũng trình đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn của năm 2024 sang năm 2025 với số vốn khoảng hơn 4.000 tỷ đồng; đồng thời đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ thêm khoảng 1.171 tỷ đồng từ nguồn tăng thu năm 2024.
Các dự án giao thông trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hàng loạt tuyến cao tốc mới như Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Hòa Liên - Túy Loan, Mỹ An - Cao Lãnh… đều đang chờ vốn để triển khai hoặc tăng tốc. Do đó, đẩy nhanh giải ngân không chỉ là yêu cầu về tiến độ mà còn là điều kiện tiên quyết để duy trì tăng trưởng kinh tế, giải ngân hiệu quả đầu tư công và tạo thêm việc làm.
Bài toán then chốt lúc này là phối hợp chặt chẽ giữa các chủ đầu tư, địa phương và nhà thầu để tháo gỡ các nút thắt trong công tác triển khai dự án: thủ tục chậm, giải phóng mặt bằng kéo dài, thiếu vật liệu, và quy trình thanh quyết toán rườm rà. Cùng với đó, việc giám sát, đôn đốc tiến độ từng dự án cũng sẽ được tăng cường để đảm bảo giải ngân sát với kế hoạch và tránh tình trạng “dồn toa” cuối năm.
Việc Bộ Xây dựng mới đạt gần 16% giải ngân sau 4 tháng đầu năm là lời cảnh báo cho toàn ngành về sự cần thiết phải chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa. Chậm trễ không chỉ làm lãng phí nguồn lực quốc gia mà còn khiến các mục tiêu phát triển hạ tầng, phục hồi tăng trưởng rơi vào thế bị động. Cơ hội tăng tốc vẫn còn, nhưng chỉ thực sự hiệu quả khi cả hệ thống vào cuộc quyết liệt và đồng bộ.