![]() |
Mỹ xác lập danh sách 20 quốc gia ưu tiên đàm phán, Việt Nam là “ưu tiên cao”. |
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gấp rút triển khai một loạt các cuộc đàm phán thương mại với khoảng 20 quốc gia, nhằm nhanh chóng xây dựng các mô hình hiệp định có thể nhân rộng. Danh sách này bao gồm cả các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, cũng như những nền kinh tế nhỏ hơn như Lesotho hay Mauritius – theo các nguồn tin của Bloomberg.
Mục tiêu là đạt được các thỏa thuận sơ bộ trong thời gian ngắn, đặc biệt trước khi khoảng thời gian “tạm hoãn áp thuế” 90 ngày hết hạn vào tháng 7/2025 tới. Những thỏa thuận ban đầu này không chỉ nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, mà còn đóng vai trò làm “khuôn mẫu” để mở rộng đàm phán với các đối tác lớn hơn.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer được giao trọng trách dẫn dắt các cuộc đàm phán. “Chúng tôi muốn chứng minh một khuôn khổ hợp tác hiệu quả, để từ đó có thể tăng tốc”, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết.
![]() |
Các quốc gia (màu xanh) được chính quyền Mỹ ưu tiên đàm phán thương mại (Ảnh: Bloomberg). |
Danh sách hiện tại bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ, Israel, Argentina, Ecuador, Campuchia, Madagascar, Mauritius, Fiji, Lesotho và Australia. Một số quốc gia như Brazil và Philippines cũng đang được cân nhắc, trong khi đàm phán với EU vẫn đang diễn ra.
Mặc dù quy mô kinh tế giữa các quốc gia này rất khác nhau, ví dụ giá trị hàng Mỹ nhập khẩu từ Nhật Bản trong một ngày còn lớn hơn cả năm từ Lesotho, nhưng Nhà Trắng kỳ vọng thỏa thuận với các nước nhỏ sẽ tạo tiền lệ và áp lực ngoại giao đối với các đối tác lớn hơn.
“Nhiều quốc gia nhỏ sẵn sàng làm gương, trong khi các nước lớn lại tỏ ra dè dặt”, một quan chức tiết lộ.
Với Anh, một bản thỏa thuận sơ bộ đã được công bố trong tuần qua, dù còn nhiều điều khoản chưa hoàn tất. Ấn Độ cũng đang đàm phán ở giai đoạn nâng cao, dù các quan chức Mỹ thừa nhận đây là một trường hợp “phức tạp và mất thời gian”.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam, Malaysia và Campuchia đang được đánh giá là “ưu tiên cao” do có mức thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Đại diện Jamieson Greer xác nhận: “Chúng tôi có những cuộc trao đổi hiệu quả tại khu vực Đông Nam Á. Các nước ở đây hiểu rất rõ những gì chúng tôi muốn điều chỉnh”.
Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với mức thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump – với mức cơ bản là 10%, nhưng hoàn toàn có thể tăng lên 25%, thậm chí 50% hoặc 100% với các mặt hàng cụ thể như nhôm thép, dược phẩm, phim ảnh và hàng hóa công nghệ.
Australia, dù có thâm hụt thương mại hàng hóa với Mỹ, hiện vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Phía Mỹ cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng mức thuế 10% chỉ là “mức sàn”, và bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ cần thêm nhượng bộ hoặc miễn trừ bổ sung, ví dụ với thuế 25% đang áp lên nhôm thép, hoặc thuế đe dọa 100% trong lĩnh vực điện ảnh – điều có thể giáng một đòn mạnh vào ngành điện ảnh của Úc.
Bên cạnh đó, Thụy Sĩ cho biết họ là một trong 15 quốc gia có thể được gia hạn “tạm ngừng áp thuế” vượt qua thời hạn tháng 7/2025, nếu tiến trình đàm phán tiến triển tốt. Trong khi đó, Lesotho, quốc gia nhỏ ở châu Phi với dân số chưa đến 2 triệu người, đang tìm cách tránh mức thuế 50% bằng cách tạo điều kiện đầu tư cho các doanh nghiệp Mỹ, như Starlink của tỷ phú Elon Musk.
Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, như Thượng nghị sĩ Kevin Cramer, đang gây sức ép để chính quyền của ông Donald Trump đẩy nhanh công bố các thỏa thuận, thay vì chờ đến sát hạn chót vào tháng 7. Ông nói: “Chúng tôi biết có rất nhiều cuộc đàm phán đang diễn ra. Mọi người đang rất nóng lòng”.