![]() |
Vì sao đồng euro mạnh lên khiến các doanh nghiệp châu Âu lo lắng? |
Sự tăng giá mạnh của đồng euro đang khiến nhiều doanh nghiệp lớn tại châu Âu phát đi tín hiệu cảnh báo, khi đồng tiền chung chạm mức cao nhất trong ba năm so với đồng USD — một rủi ro mới xuất hiện giữa lúc họ vẫn đang vật lộn với các mức thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Từ SAP, Porsche, Heineken đến Schneider Electric, nhiều tập đoàn đã cảnh báo với nhà đầu tư rằng đà tăng hơn 9% của đồng euro trong năm nay có thể ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận, đặc biệt là ở thị trường Mỹ — nơi đang ghi nhận xu hướng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do bất ổn từ chiến tranh thương mại.
Việc đồng euro tăng mạnh làm giảm sức cạnh tranh về giá của hàng hóa xuất khẩu châu Âu tại Mỹ, trong khi các mức thuế đối với hàng hóa EU đã được Washington áp dụng từ tháng 4/2025 (ban đầu là 20%, sau giảm còn 10% để mở cửa cho đàm phán kéo dài 90 ngày). Ông Robin Winkler, nhà kinh tế trưởng khu vực Đức tại Deutsche Bank, nhận định: “Đồng euro mạnh đang làm trầm trọng thêm cú sốc thuế quan, đồng thời bào mòn lợi thế thương mại của các doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, dù nhiều doanh nghiệp đã sử dụng công cụ phòng hộ tỷ giá, họ vẫn cảnh báo rằng một đợt tăng kéo dài của đồng euro sẽ khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp. SAP cho biết cứ mỗi 0,01 USD tăng thêm trong tỷ giá EUR/USD sẽ làm giảm 30 triệu euro doanh thu cả năm của họ. Còn Heineken ước tính đà tăng của đồng euro (so với cả đồng peso Mexico) có thể làm giảm tới 180 triệu euro lợi nhuận ròng điều chỉnh.
Schneider Electric cũng cảnh báo mức giảm doanh thu lên đến 1,25 tỷ euro trong năm nay do ảnh hưởng từ tỷ giá. HelloFresh — công ty chuyên cung cấp bộ nguyên liệu nấu ăn — cũng thừa nhận rằng họ dự báo triển vọng năm 2025 dựa trên tỷ giá 1,04 USD, và mức 1,14 USD sẽ khiến lợi nhuận hoạt động điều chỉnh giảm tới 28 triệu euro.
Porsche, với Bắc Mỹ hiện được xem là thị trường lớn thứ hai của hãng, dù đã chủ động kiểm soát rủi ro tỷ giá, nhưng cũng cho biết không thể tránh khỏi “một mức độ ảnh hưởng nhất định”.
![]() |
Đồng euro đã ghi nhận mức tăng hơn 9% tính từ đầu năm 2025 đến nay (Ảnh: Trading Economics). |
Sự phục hồi mạnh mẽ của đồng euro trái ngược hoàn toàn so với quý IV năm ngoái, khi đồng USD tăng vọt nhờ kỳ vọng vào các chính sách thúc đẩy tăng trưởng của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, khi các chính sách này dần phản tác dụng và khiến kinh tế Mỹ chậm lại, đồng euro lại được hưởng lợi nhờ niềm tin vào triển vọng vững chắc hơn của châu Âu.
Barclays ghi nhận rằng cổ phiếu các doanh nghiệp xuất khẩu châu Âu như Stellantis, SAP và Daimler Truck đã tụt lại so với thị trường chung khi đồng euro lên giá. Quỹ Royal London Asset Management cho biết họ đã giảm tỷ trọng cổ phiếu châu Âu do lo ngại tác động kết hợp của tỷ giá và thuế quan.
Ngân hàng Bank of America (BofA) nhận định đồng euro vẫn còn dư địa tăng thêm, dự báo sẽ chạm 1,17 USD vào cuối năm nay, được hỗ trợ bởi gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỷ euro của chính phủ Đức. “Thị trường trước đây quá lạc quan về Mỹ và quá bi quan về châu Âu”, chuyên gia Athanasios Vamvakidis của BofA bình luận.
![]() Ngoài việc giữ nguyên lãi suất cơ bản lần thứ ba liên tiếp, Fed còn phát đi cảnh báo rủi ro kép từ các chính sách thuế mới, có thể đẩy lạm phát tăng và làm suy yếu thị trường lao động. |
![]() Thâm hụt thương mại Mỹ đã tăng vọt lên mức kỷ lục 140,5 tỷ USD trong tháng 3/2025, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa nhằm tránh các mức thuế mới của Tổng thống Donald Trump. |
![]() Trung Quốc bất ngờ công bố loạt biện pháp kích thích kinh tế nhằm ứng phó đà giảm tốc tăng trưởng, tình trạng giảm phát và căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ. |