![]() |
Xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh, nhưng bùng nổ với các đối tác khác. |
Trong tháng đầu tiên sau khi Tổng thống Donald Trump áp mức thuế lên tới 145% lên hàng hóa Trung Quốc, xuất khẩu từ nước này sang Mỹ đã giảm mạnh, trong khi xuất khẩu sang các thị trường châu Á và châu Âu tăng vọt – cho thấy sự dịch chuyển thương mại trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 9/5, xuất khẩu sang Mỹ của nước này trong tháng 4/2025 đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm gần 14%. Điều này đánh dấu những tác động đầu tiên của cuộc chiến thuế quan được khơi mào từ đầu tháng 4.
Trong khi đó, xuất khẩu sang các quốc gia châu Á khác – bao gồm Ấn Độ và khối ASEAN – đã tăng trên 20%, còn xuất khẩu sang Liên minh châu Âu tăng 8%, cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đang tích cực đa dạng hóa thị trường để bù đắp sự sụt giảm từ Mỹ.
Nhìn chung, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng 8,1% trong tháng 4/2025, cao hơn kỳ vọng của giới phân tích, dù thấp hơn mức tăng 12,3% trong tháng 3/2025. Thặng dư thương mại đạt 96 tỷ USD, phần lớn do chênh lệch thương mại với Mỹ và châu Á.
“Nếu các mức thuế hiện tại được duy trì, thương mại Mỹ-Trung có thể sụp đổ trong năm nay”, một chuyên gia cảnh báo, nhấn mạnh mức thương mại song phương năm ngoái từng đạt gần 690 tỷ USD.
Vào cuối tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sẽ dẫn đầu phái đoàn đàm phán Mỹ, gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Thụy Sĩ. Đây là vòng đối thoại cấp cao đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng hồi đầu năm nay.
Nguồn tin từ Bloomberg cho biết Mỹ đang cân nhắc giảm thuế từ mức hiện tại 145% xuống dưới 60% như một bước “phá băng”, và có thể triển khai ngay trong tuần tới nếu hai bên đạt tiến triển. Ông Bessent từng gọi các mức thuế quan hiện nay là “không thể duy trì lâu dài”.
Trong khi đó, chính sách thương mại thất thường của Mỹ đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Cụ thể, các tuyến hàng hải xuyên Thái Bình dương đang bị thu hẹp, cùng với khối lượng vận chuyển giữa Trung Quốc và Mỹ cũng đã giảm 30-40%, theo báo cáo của hãng vận tải container lớn nhất thế giới Maersk. Dù vậy, thâm hụt thương mại của Mỹ lại không cho thấy dấu hiệu tích cực khi đã đạt mức kỷ lục trong tháng 3/2025, và dự kiến còn tiếp tục tăng trong tháng 4/2025.
Bên cạnh đó, một làn sóng mới đang diễn ra khi xuất khẩu từ Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Malaysia sang Mỹ tăng kỷ lục, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc vào các nước này cũng tăng mạnh. Dữ liệu cho thấy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và FDI đang dịch chuyển lắp ráp sang ASEAN để “né” thuế của Mỹ.
Dù vậy, làn sóng thương mại trung gian này cũng mang đến rủi ro mới: thặng dư thương mại lớn với Mỹ có thể khiến các quốc gia trung chuyển bị Washington đưa vào tầm ngắm. Năm ngoái, thâm hụt hàng hóa của Mỹ với Việt Nam lên tới 123,4 tỷ USD, khiến ông Donald Trump áp thuế 46% với hàng hóa nước ta, trước khi tạm hoãn 90 ngày để đàm phán.
Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng tiếp tục bị phân mảnh và chi phí logistics leo thang, việc Mỹ và Trung Quốc giảm thuế qua đàm phán là yếu tố then chốt để ổn định thị trường trong nửa cuối năm 2025.