![]() |
Indonesia hướng tới chấm dứt nhập khẩu gạo trong năm 2025. |
Indonesia đang chuẩn bị ngừng hoàn toàn hoạt động nhập khẩu gạo trong năm 2025, đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách an ninh lương thực của quốc gia với hơn 280 triệu dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Sudaryono, sản lượng gạo nội địa của nước này dự kiến sẽ đạt ít nhất 33,8 triệu tấn trong năm 2026, tăng so với mục tiêu 32,8 triệu tấn của năm 2025. Đồng thời, lượng dự trữ quốc gia cũng đã tăng hơn gấp đôi – từ 1,7 triệu tấn trong tháng 1/2025 lên 4 triệu tấn trong tháng 5/2025, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn sau đợt hạn hán do hiệu ứng El Nino vào năm ngoái.
Đây được xem là nỗ lực then chốt trong chiến lược tự chủ lương thực của Tổng thống Prabowo Subianto, người đã tuyên bố mục tiêu giảm phụ thuộc vào nhập khẩu ngay từ khi nhậm chức vào tháng 10/2024. Với nhu cầu tiêu thụ khoảng 30 triệu tấn gạo mỗi năm, Indonesia đã nhập khẩu 4,65 triệu tấn trong giai đoạn 2023–2024 – mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng gạo 1997–1998.
“An ninh lương thực giống như việc phòng bệnh. Nó rẻ hơn rất nhiều so với chữa bệnh”, ông Sudaryono ví von với báo giới.
Indonesia đã nhập khẩu gạo liên tục từ những năm 1960, nhưng giờ đây, với sự cải thiện về sản lượng và dự trữ, nước này đang đứng trước khả năng chuyển mình thành nước xuất khẩu – một điều hiếm thấy trong lịch sử. Theo ông Sudaryono, Malaysia và Philippines đã chủ động liên hệ đề nghị mua gạo từ Indonesia, và khoảng 1.000 tấn đang được chuẩn bị xuất sang bang Sabah và Sarawak của Malaysia.
Trong quý I/2025, Indonesia đã sản xuất 8,61 triệu tấn gạo, tăng tới 53% so với cùng kỳ năm trước nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Tổng sản lượng trong nửa đầu năm 2025 được dự báo sẽ tăng 11%, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Indonesia. Mùa khô từ tháng 5 đến tháng 7 cũng sẽ là cơ hội để nước này tiếp tục tăng tốc.
Để đạt được thành công này, 37.000 cán bộ khuyến nông đã được Bộ Nông nghiệp Indonesia triển khai đến khắp các tỉnh thành, phối hợp với lực lượng quân đội nhằm hỗ trợ người dân cải thiện năng suất. “Mỗi cán bộ phụ trách 2–3 làng, cập nhật tình hình sản xuất hàng ngày về trung tâm điều hành ở Jakarta”, ông Sudaryono cho biết.
Ngoài ra, chính phủ nước này cũng có kế hoạch chuyển đổi 500.000 ha đất ngập nước thành ruộng lúa trong năm nay, tăng mạnh so với 350.000 ha vào năm ngoái. Hệ thống thoát nước đang được lắp đặt để điều tiết mực nước, giúp các vùng đầm lầy có thể canh tác vào mùa khô.
Với đà tăng sản lượng và quyết tâm chính trị rõ rệt, Indonesia đang ở rất gần mục tiêu lịch sử: chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu gạo lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ – một bước tiến lớn trong việc đảm bảo chủ quyền lương thực quốc gia.
![]() Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 4/2025 đã giảm 21%, trong khi xuất khẩu sang châu Á và EU tăng mạnh, phản ánh sự dịch chuyển của dòng chảy thương mại toàn cầu. |
![]() Liên minh châu Âu (EU) đưa ra cảnh báo sẽ áp thuế lên 95 tỷ euro (108 tỷ USD) hàng hóa Mỹ, nếu các đàm phán thương mại với chính quyền ông Trump không đạt được kết quả tích cực. |
![]() Giá gạo toàn cầu đã ổn định ở mức thấp sau cú giảm gần 30%, nhưng triển vọng phục hồi bị kìm hãm bởi nguồn cung dư thừa lớn từ Ấn Độ và châu Á. |