Theo Tờ trình của Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021–2025.
![]() |
Sửa Luật Doanh nghiệp để siết chặt vốn “ảo”, minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp. Ảnh minh họa. |
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, gồm 2 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành; Điều 2 quy định điều khoản thi hành. Trong đó, các sửa đổi nổi bật gồm:
Làm rõ các khái niệm như: cổ tức, giá trị thị trường phần vốn góp, thị phần… để phù hợp với báo cáo tài chính và thực tế vận hành doanh nghiệp.
Bổ sung khái niệm “kê khai khống vốn điều lệ” để làm cơ sở xử lý vi phạm; đồng thời làm rõ khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” nhằm phù hợp với các cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền.
Sửa khoản 2 Điều 121, quy định cổ phiếu không đủ thông tin theo luật là không hợp lệ, nhằm ngăn chặn việc phát hành cổ phiếu vô danh.
Bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền khai thác thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để phục vụ công tác phòng, chống tội phạm.
Một điểm đáng chú ý là dự thảo sửa đổi khoản 3, Điều 215, quy định rõ trách nhiệm và phạm vi quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh trong hoạt động đăng ký kinh doanh. Theo đó, các địa phương sẽ phải: Ban hành quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động đăng ký kinh doanh; Phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý doanh nghiệp sau khi thành lập; Tăng cường công tác hậu kiểm, đặc biệt với các doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ lớn nhưng không có hoạt động thực chất.
Những biện pháp này nhằm hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp kê khai vốn “ảo”, tăng cường minh bạch và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Góp ý tại cuộc họp, ông Nguyễn Việt Hùng – đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhất trí với định hướng sửa đổi và cho rằng, không nên bổ sung thêm thành phần hồ sơ đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp “mất tích” hoặc “bỏ trốn”, ông Hùng đề xuất nên yêu cầu doanh nghiệp tham gia hiệp hội hoặc tổ chức ngành nghề liên quan. Trường hợp không tham gia, có thể xem xét yêu cầu ký quỹ để xử lý rủi ro.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục làm rõ tính cấp thiết, sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và rà soát sự thống nhất với các luật liên quan như Luật Chứng khoán, Luật Phòng chống rửa tiền... để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi trong thực tiễn thi hành.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật DN sửa đổi là đưa ra giải pháp xử lý tình trạng thành lập DN nhằm mục đích rửa tiền. Theo đó, cơ quan soạn thảo cho rằng, cần bổ sung quy định cụ thể và thống nhất để xử lý và hạn chế tình trạng lợi dụng thành lập DN và hình thành pháp nhân để vi phạm pháp luật, rửa tiền; Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cụ thể đối với các DN có “vốn ảo”, “đăng ký khống vốn điều lệ”, “thành lập DN ma” hoặc tình trạng “núp bóng” tham gia góp vốn, mua cổ phần chi phối DN… |