‘Nút thắt cổ chai’ của ngành dệt may Việt Nam

00:00 12/10/2020

MCSS đánh giá sản xuất vải đang là "nút thắt cổ chai" của dệt may Việt Nam, khi chi phí cho nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm 30%. Đây là rào cản để vươn lên trong chuỗi giá trị.

Đại dịch tác động nặng nề đến đầu vào và đầu ra của ngành dệt may, nhưng chỉ 133 trên 3.143 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Tổng cục Thống kê cho biết đã tiếp nhận hỗ trợ.

Thông tin này được đưa ra trong báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa” của Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS), thuộc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV).

Chỉ 3,6% doanh nghiệp dệt may được hưởng hỗ trợ

Theo đó, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu may mặc đạt 10,56 tỷ USD, giảm 13.6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 2 thị trường chủ chốt, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu là Mỹ và EU lần lượt sụt giảm 15% và 19%.

Đặc biệt, khảo sát của Tổng cục Thống kê với 3.143 doanh nghiệp dệt may hồi tháng 4 cho thấy tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và nguồn cung nguyên liệu diễn ra tại nhiều đơn vị, trong khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm nặng nề. Bốn tháng đầu năm, doanh thu của các doanh nghiệp dệt giảm 61,6%, doanh nghiệp may mặc giảm 78% so với cùng kỳ năm 2019.

Bối cảnh này tác động tiêu cực đến tình hình lao động toàn ngành, khi nhiều doanh nghiệp phải giảm lương nhân viên, hoặc giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc không lương... Tính đến tháng 4, số lao động trong ngành may mặc bằng 20%, ngành dệt bằng 24,5% so với năm 2019.

Giá thành và phân tích giá thành trong ngành dệt may Việt Nam

Lao động ngành dệt may chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. 

Tuy vậy, chỉ 133 doanh nghiệp, chiếm 3,6% số đơn vị tham gia khảo sát, cho biết đã được tiếp nhận hỗ trợ. Đa số chưa biết đầu mối để tiếp cận chính sách. Đồng thời, doanh nghiệp khó tiếp cận các giải pháp hỗ trợ tín dụng, không được hưởng lợi nhiều từ chính sách giãn, miễn, giảm thuế.

Bên cạnh đó, họ cho rằng quy định hoãn đóng bảo hiểm xã hội, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp là chưa hợp lý, và người lao động chưa được hỗ trợ hiệu quả.

Do đó, khoảng 50% doanh nghiệp đã thu hẹp quy mô sản xuất, 35% cắt giảm lao động, hơn 25% cho lao động nghỉ việc không lương.

Hậu Covid-19, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, được kỳ vọng là điểm sáng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo MCSS, ngành dệt may Việt Nam không có chuỗi cung ứng đầy đủ nên rất khó tận dụng lợi thế này.

Đến nay, Việt Nam có 12 FTA có hiệu lực, 1 FTA đợi phê chuẩn và đang đàm phán 3 FTA khác. Những FTA này mang lại ưu thế cạnh tranh xuất khẩu, khi thuế suất trung bình ngành dệt may từ 12-25% về còn 0-5%. Mặc dù vậy, tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam chỉ đạt trung bình 30-35%, bởi các FTA này yêu cầu nguồn nguyên liệu đầu vào từ sợi phải có xuất xứ từ các nước ký kết.

Việt Nam cần khai thác một số thị trường mới

Thực tế, MCSS đánh giá sản xuất vải đang là ‘nút thắt cổ chai’ của ngành dệt may Việt Nam, khi chi phí cho nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp. Điều này không những tạo rào cản trong việc tận dụng FTA, mà còn đẩy Việt Nam vào vị trí thấp trong chuỗi giá trị.

Do đó, MCSS khuyến nghị Chính phủ có chính sách hợp lý cho ngành dệt, đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng trong nước, đồng thời thu hút dịch chuyển đầu tư FDI vào sản xuất nguyên phụ liệu.

Cụ thể, TS Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng doanh nghiệp cần chủ động liên kết đầu tư, trong khi Nhà nước phê duyệt chiến lược phát triển và chính sách hỗ trợ cụ thể, có sự vào cuộc của các địa phương thông qua việc cấp phép các dây chuyền dệt, nhuộm và phát triển hạ tầng giao thông, an sinh xã hội phù hợp.

Bên cạnh tận dụng các FTA sẵn có, theo MCSS, Việt Nam cần khai thác một số thị trường mới, tiêu biểu là Mỹ và Canada, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực nhưng thuế suất rất cao, còn Canada tiềm năng nhưng chưa được đầu tư đúng mức.

Đặc biệt, qua giai đoạn Covid-19 vừa qua, MCSS đánh giá các doanh nghiệp dệt may còn ít đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm và công nghệ, còn giữ mức thâm dụng lao động cao. Chương trình này đề xuất doanh nghiệp định hướng thay đổi tổ chức sản xuất dựa theo công nghệ, nhằm nâng cao khả năng thích ứng trong tương lai.

Lan Anh