Bài liên quan |
Quỹ đầu tư mạo hiểm dùng ngân sách nhà nước: Cú huých cho hệ sinh thái khởi nghiệp |
Là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn hiện nay là sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn đầu tư giai đoạn sớm – vốn được xem là "dưỡng khí" nuôi sống các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thực tế cho thấy, quỹ đầu tư tư nhân vẫn còn dè dặt khi tiếp cận các lĩnh vực rủi ro cao, quy mô thị trường nhỏ, thời gian đầu tư dài hạn như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, y sinh hay giao thông thông minh. Trong khi đó, những lĩnh vực này lại là ưu tiên của thành phố trong tiến trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận định: “Chúng ta đang thiếu công cụ để lấp đầy khoảng trống đầu tư cho các lĩnh vực rủi ro cao, nơi mà các quỹ tư nhân chưa sẵn sàng tham gia. Việc thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm thành phố là bước đi cần thiết, nhằm dẫn dắt, kích hoạt dòng vốn xã hội và khơi thông các nguồn lực đổi mới sáng tạo”.
![]() |
Hà Nội tiên phong lập Quỹ đầu tư mạo hiểm - vốn mồi cho công nghệ cao |
Theo dự thảo Đề án, Quỹ Đầu tư mạo hiểm của Hà Nội sẽ có vốn điều lệ ban đầu khoảng 2.000 – 2.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố góp không quá 49%. Quỹ hoạt động theo mô hình “vốn mồi”, nhằm thu hút thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân và các quỹ trong – ngoài nước.
Không giống các quỹ tư nhân hướng đến lợi nhuận, mục tiêu cốt lõi của Quỹ là tạo tác động xã hội tích cực: Hỗ trợ vốn và phi tài chính cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Thành phố sẽ không trực tiếp quản lý mà thuê đơn vị điều hành chuyên nghiệp. Quyết định đầu tư sẽ do các nhà đầu tư cùng thảo luận và phê duyệt, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả.
Một điểm mới quan trọng là việc áp dụng mô hình “fund of funds” – quỹ mẹ đầu tư vào các quỹ chuyên ngành như công nghệ, y tế, giáo dục… thay vì đầu tư trực tiếp vào từng doanh nghiệp. Cách làm này giúp giảm thiểu rủi ro, tăng tính chuyên môn hóa và huy động hiệu quả nguồn lực xã hội.
Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến này, đồng thời đề xuất các chính sách ưu đãi đi kèm như miễn thuế chuyển nhượng vốn, thuế thu nhập cá nhân cho nhà đầu tư tái đầu tư, cơ chế tái cấp vốn, thanh khoản thứ cấp… Những chính sách này từng được áp dụng thành công ở Israel, Singapore và Hàn Quốc – các quốc gia nổi bật trong hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo bằng quỹ công.
Ông Trần Việt Đức – Giám đốc Quỹ IDG Capital Vietnam Blockchain – chia sẻ: “Đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro rất cao, có thể mất đến 60% vốn, nên cần thiết kế cơ chế vốn mồi của Nhà nước sao cho hợp lý. Thay vì rải vốn dàn trải, nên đầu tư có trọng điểm vào các quỹ chuyên ngành để tăng hiệu quả, từ đó hút được các nhà đầu tư tư nhân cùng vào cuộc”.
Cùng quan điểm, ông Bùi Thành Đô – Giám đốc điều hành Quỹ ThinkZone Ventures - khẳng định: “Với quy mô quỹ của thành phố, hoàn toàn có thể tạo sức bật nếu đi kèm cơ chế khuyến khích tái đầu tư và ưu đãi thuế. Điều đó sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư tư nhân, nhất là trong bối cảnh các quỹ đang cân nhắc chuyển vốn sang địa phương có chính sách hấp dẫn hơn”.
Đại diện các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, FPT Software hay Google Việt Nam cũng đánh giá cao hướng đi mới của Hà Nội. Các bên đều cho rằng quỹ nên tập trung vào các vấn đề thách thức thực tiễn như hạ tầng số, đô thị xanh, giao thông thông minh – qua đó tạo đầu bài rõ ràng cho các startup công nghệ và mở ra cơ hội thị trường ngay tại chỗ.
Việc thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm không chỉ mang ý nghĩa tài chính mà còn thể hiện sự chuyển mình trong tư duy điều hành của chính quyền thành phố. Thay vì hỗ trợ trực tiếp bằng ngân sách, Hà Nội đang kiến tạo một cơ chế thị trường linh hoạt để kích hoạt các nguồn lực xã hội, từng bước hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện.
Nếu được vận hành hiệu quả, Quỹ sẽ trở thành mô hình mẫu, góp phần khơi dậy tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo, thu hút tài chính xã hội vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế tri thức và thành phố thông minh trong tương lai gần.