Hàng giả bủa vây, luật chưa kịp che chắn
Thông tin tại tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” tổ chức sáng 10/7, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý cho Công ty CP Nhựa Bình Minh, - chia sẻ, hiện nay có không ít trường hợp các tổ chức, cá nhân cố tình đăng ký nhãn hiệu giống hoặc gần giống với thương hiệu nổi tiếng, rồi quay ngược lại kiện chính doanh nghiệp thật vì “xâm phạm” quyền sở hữu trí tuệ mà họ đã giành được trên giấy.
Trong một vụ việc cụ thể, doanh nghiệp do ông Trương Anh Tú bảo vệ đã bị đe dọa rút sản phẩm khỏi thị trường, đứt chuỗi phân phối, tổn thất danh tiếng chỉ vì “chậm một bước chân” trong thủ tục đăng ký nhãn hiệu.
![]() |
Toàn cảnh tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp”. Ảnh: Thuận Văn |
Về nguyên nhân, theo ông Trương Anh Tú nằm ở lỗ hổng của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành với nguyên tắc “nộp trước được quyền trước”. Trong khi đó, tại Mỹ và nhiều nước phát triển, quyền sở hữu thương hiệu được xác lập dựa trên “sử dụng trước”. “Nếu không sửa đổi, luật đang tiếp tay cho những hành vi chiếm đoạt thương hiệu qua đường chính ngạch,” ông Trương Anh Tú nhấn mạnh.
Không dừng lại ở chiêu trò pháp lý, hàng giả còn tấn công doanh nghiệp bằng "truyền thông bẩn". Những tài khoản mạng xã hội giả, clip cắt ghép ác ý có thể khiến cả một thương hiệu điêu đứng chỉ sau vài ngày. Một doanh nghiệp thực phẩm chức năng được nhắc đến tại tọa đàm từng mất đến 40% doanh thu chỉ vì một đoạn video thất thiệt lan truyền trên TikTok.
Về mặt sức khỏe cộng đồng, hậu quả từ hàng giả và thực phẩm kém chất lượng vô cùng nghiêm trọng. Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cảnh báo: “Tỉ lệ người bị tăng huyết áp hiện là 26,2%, đái tháo đường 7,1%, mỗi năm có khoảng 185.000 ca ung thư mới. Một phần nguyên nhân đến từ thực phẩm, thuốc giả, kém chất lượng, những thứ âm thầm hủy hoại sức khỏe người dân mỗi ngày”.
Sửa luật để công bằng, tự vệ để sống còn
Cùng lên tiếng về khoảng trống pháp lý, luật sư Phạm Công Hùng – Nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao – chỉ rõ, pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm và chế tài rõ ràng đối với hàng nhái. Những gì đang áp dụng chỉ là giải pháp tình thế, không đủ sức răn đe và chưa thể bảo vệ thị trường một cách triệt để.
Ông Phạm Công Hùng kiến nghị, cần sớm bổ sung quy định riêng cho hàng nhái, đồng thời đưa ra đề xuất nhân văn: “Những cá nhân từng sản xuất hàng nhái, nếu có thiện chí, nên được tạo điều kiện để hợp pháp hóa hoạt động, đăng ký chất lượng và tham gia thị trường một cách đàng hoàng”.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Quang Phúc - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển thương mại Mekong Việt Nam, Chủ tịch Hội Quán Café Kết Nối Ngành Dược – CPI Center - chia sẻ, nỗi lo chung của những doanh nghiệp làm thật nhưng bị rơi vào thế bị động.
Theo ông Võ Quang Phúc, để có một thương hiệu vững vàng, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều năm tâm huyết, xây dựng hệ thống phân phối, tạo dựng niềm tin từ người tiêu dùng. Thế nhưng, một khi sản phẩm gặp sự cố từ phía nhà sản xuất, doanh nghiệp thương hiệu lại là bên phải “chịu trận”.
![]() |
Hàng giả bủa vây, hàng thật “chịu trận”. Ảnh minh họa |
“Chúng tôi luôn chọn nhà sản xuất có đầy đủ giấy tờ, đúng chuẩn. Nhưng có ai đảm bảo nguyên liệu không bị tráo đổi, công thức không bị cắt xén? Làm sao doanh nghiệp thương mại giám sát được mọi quy trình trong nhà máy?”, ông Võ Quang Phúc đặt vấn đề.
Theo ông Võ Quang Phúc, cần phân định rõ ràng trách nhiệm trong luật: Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm; còn doanh nghiệp sở hữu thương hiệu chịu trách nhiệm phân phối, quảng bá và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đây không chỉ là sự công bằng pháp lý mà còn là tiền đề cho sự minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Không chỉ kiến nghị, ông Võ Quang Phúc cũng cho thấy hướng đi chủ động của doanh nghiệp trong thực chiến chống hàng giả. Mekong Việt Nam đã hợp tác với VinaCHG triển khai tem chống giả, QR code truy xuất nguồn gốc, đồng thời mời các chuyên gia y tế, khoa học từ Viện Khoa học Công nghệ Ứng dụng Sài Gòn tham gia kiểm soát chất lượng sản phẩm. Ông khuyến khích doanh nghiệp khác cũng cần hợp tác với những trung tâm kiểm nghiệm uy tín như Quatest 3, Viện Pasteur, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh... để từng lô sản phẩm đều đạt chuẩn trước khi ra thị trường. “Chúng ta phải tự cứu mình trước khi chờ được cứu,” ông nói.
Trong bối cảnh hàng giả ngày càng tinh vi, thậm chí được "hợp pháp hóa" qua các kẽ hở pháp luật, khiến nhiều thương hiệu gầy dựng hàng chục năm bị đe dọa nghiêm trọng. Không chỉ gây tổn thất kinh tế, vấn nạn này còn gieo rắc hậu quả lớn về sức khỏe cộng đồng. Thực trạng ấy đặt ra thông điệp cấp thiết: Phải sửa luật để công bằng, tăng thực thi để răn đe và đòi hỏi doanh nghiệp hành động chủ động hơn. Sự thay đổi giờ đây không còn là lựa chọn mà là sống còn.