Phát triển logistics xanh, “chìa khóa” để Cảng quốc tế Long An tăng tính cạnh tranh toàn cầu |
Chuyển đổi xanh: Xu hướng tất yếu
Kinh tế toàn cầu biến động mạnh kéo theo xu hướng tái cấu trúc và dịch chuyển chuỗi cung ứng, ngành logistics đang chịu áp lực chuyển đổi sâu rộng chưa từng có, doanh nghiệp phải đứng trước yêu cầu cấp bách là thích ứng để tồn tại trong biến động.
Chính phủ các nước và tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra những mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, sáng kiến từ Gói Fit for 55 của Liên minh châu Âu đến lộ trình giảm carbon của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO)… buộc doanh nghiệp logistics phải “xanh hóa” quy trình và hướng tới mục tiêu Net Zero…
![]() |
Đại biểu tham dự Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025 |
Trong bối cảnh đó, Việt Nam được nhận định hoàn toàn có thể đi đầu trong xây dựng mô hình logistics xanh và bền vững tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trở thành điểm sáng tiên phong trên bản đồ xanh ngành logistics thế giới.
Thực tế, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế. Trong đó giao nhiệm vụ cho các Bộ ngành liên quan trong “phát triển các trung tâm logistics xanh, cảng xanh”.
Để thực hiện chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, dịch vụ logistics và giao thông vận tải là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cũng xác định phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững, ứng dụng công nghệ xanh và chuyển đổi số, phát triển hạ tầng giao thông xanh…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hóa” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững về môi trường và công bằng xã hội. “Phát triển logistics xanh" là một trong số các nhiệm vụ được giao cho các Bộ ngành liên quan trong bản chiến lược này.
Khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI cũng cho thấy, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên. Theo đó, quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải…
Tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế toàn cầu, sự dịch chuyển và tái cấu trúc thương mại cũng như những hàng rào thuế quan đang đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn mới với ngành logistics như ESG, Net Zero và thuế biên giới carbon… Chuyển đổi xanh trở thành con đường sống còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tạo sức bật ngành logistics trong biến động.
Theo yêu cầu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), nhiên liệu sử dụng cũng phải góp phần giảm phát thải carbon, phải thay thế nhiên liệu ít phát thải hơn, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào khoảng năm 2050.
Hiện thực mục tiêu này, trước hết doanh nghiệp và các cơ quan quản lý phải chung tay, áp dụng các biện pháp, có thể từ khuyến nghị sau đó bắt buộc giảm tỷ lệ phát thải bắt đầu với doanh nghiệp lớn như các hãng tàu, sau đó đưa ra lộ trình chuyển đổi, đầu tư công nghệ và nguồn năng lượng.
Tại diễn đàn các chuyên gia, đại biểu đã cùng thảo luận về xu hướng phát triển xanh; đề xuất định hướng, giải pháp, lộ trình cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh…
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết: Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam giai đoạn 2025 đến năm 2035, đây là nền tảng pháp lý quan trọng cho các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp có định hướng phát triển thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh yếu tố phát triển bền vững, xanh hoá cả trong lĩnh vực kho bãi, vận tải, giao nhận…
Để đi theo con đường xanh hoá, chúng ta cần sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế. Đặc biệt, phải hợp lý hóa hoạt động logistics tối đa hiệu quả vận hành, giảm bớt hoạt động không cần thiết, đóng góp cho công cuộc xanh hoá.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, khi các mắt xích đó đều “xanh” thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực vận hành; đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.