![]() |
Dòng tiền đổi hướng, fintech Đông Nam Á bước vào “giai đoạn chọn lọc” |
Các vòng gọi vốn giai đoạn sớm đang chứng kiến sự co cụm rõ rệt. Tài trợ cho các startup ở giai đoạn hạt giống chỉ đạt 50,7 triệu USD, giảm một nửa so với cuối năm 2024 và thấp hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Vòng đầu tư sớm cũng giảm 27% so với cuối năm ngoái và giảm tới 65% so với cùng kỳ.
Ngược lại, vòng gọi vốn giai đoạn muộn (late-stage) đã trở thành lực kéo chính cho tổng vốn toàn ngành. Cụ thể, các startup trưởng thành đã huy động được 558 triệu USD, cao hơn gấp đôi so với nửa cuối năm 2024 và vượt 22% so với cùng kỳ 2024. Tracxn cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy hệ sinh thái fintech đang bước vào giai đoạn chọn lọc, khi nhà đầu tư sàng lọc kỹ càng hơn và chỉ rót vốn vào các công ty đã chứng minh được mô hình kinh doanh.
Trong nửa đầu năm, khu vực ghi nhận ba thương vụ vượt mốc 100 triệu USD – con số cao nhất trong ba kỳ gần nhất. Gồm: Thunes gọi 150 triệu USD (Series D), Airwallex huy động 150 triệu USD (Series F), Bolttech thu hút 147 triệu USD (Series C).
Đây là những tên tuổi đã có chỗ đứng trong khu vực, chứng minh rõ chiến lược mở rộng và mô hình lợi nhuận, cho thấy sự trưởng thành của ngành fintech và tiêu chí đầu tư mới của các quỹ mạo hiểm.
IPO và M&A: Bức tranh “giảm nhiệt”
Dù dòng tiền vào các công ty tăng trưởng vẫn dồi dào, thị trường niêm yết lại khá trầm lắng. Chỉ duy nhất Antalpha lên sàn trong 6 tháng đầu năm, tương đương cùng kỳ năm ngoái, trong khi không có thương vụ IPO nào ở nửa cuối năm 2024.
Hoạt động M&A cũng chững lại với 9 thương vụ, giảm so với 11 ở cuối năm ngoái và 16 cùng kỳ năm trước. Thương vụ lớn nhất là KFin Technologies mua ASCENT với giá 34,7 triệu USD, tiếp theo là Titanlab mua Coinseeker (30 triệu USD).
Các công ty có trụ sở tại Singapore chiếm đến 88% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực fintech Đông Nam Á, khẳng định vị thế đầu tàu không thể thay thế của đảo quốc này. Thành phố Taguig (Philippines) xếp thứ hai, nhưng khoảng cách vẫn rất lớn.
Các quỹ quốc tế tiếp tục đóng vai trò chủ đạo: East Ventures, Y Combinator, 500 Global, DST Global Partners, Unbound và Vitruvian Partners lần lượt dẫn đầu ở các giai đoạn đầu – giữa – muộn. Riêng DST Global và Unbound đã mở rộng danh mục với ít nhất một công ty fintech Đông Nam Á trong nửa đầu năm nay.
Có thể thấy thị trường fintech Đông Nam Á vẫn hấp dẫn nhưng đã rẽ sang giai đoạn trưởng thành, nơi các startup phải chứng minh hiệu quả kinh doanh rõ ràng để tiếp tục nhận được dòng vốn. Sự xuất hiện của các “mega-deal” trong bối cảnh thị trường IPO và M&A trầm lắng cho thấy một thông điệp rõ ràng: Chất lượng thay vì số lượng. Những công ty có nền tảng công nghệ vững, mô hình kinh doanh đã kiểm chứng và khả năng mở rộng quy mô sẽ là điểm đến ưu tiên của dòng vốn trong 6 tháng cuối năm.