AI và dữ liệu số là lá chắn mới trong kiểm soát hàng giả
Thương mại điện tử bùng nổ mang đến nhiều tiện ích cho người tiêu dùng nhưng cũng trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và tăng cường phối hợp liên ngành được xem là giải pháp then chốt để ngăn chặn tình trạng này một cách hiệu quả.
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ vi phạm, trong đó có 10.836 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 79,34%), 36.313 vụ gian lận thương mại, thuế (giảm 34,14%) và 3.270 vụ liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 8,64%). Tổng số tiền thu nộp ngân sách vượt 6.454 tỷ đồng, tăng 6,39% so với cùng kỳ. Đặc biệt, số vụ khởi tố hình sự tăng gần gấp ba lần, với 1.899 vụ và hơn 3.270 đối tượng.
Riêng tháng cao điểm từ 15/5 đến 15/6/2025, các lực lượng chức năng đã xử lý 10.437 vụ, trong đó có tới 1.631 vụ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Con số này cho thấy xu hướng chuyển dịch ngày càng rõ ràng của vi phạm thương mại sang không gian số.
Thông tin tại Hội nghị “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Xuân Tuấn - Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie - nhận định: “Tới 90% hàng giả hiện nay được tiêu thụ qua các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. Không chỉ bán hàng giả, các đối tượng còn lập website giả mạo, dùng công cụ AI để quảng cáo tinh vi khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt thật - giả nếu không có công nghệ hỗ trợ.”
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới”. Ảnh: Trần Trúc |
Ông Phạm Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, Đại diện Ban Chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng - cho biết, Chi cục vừa được Ban Chỉ đạo 57 của Đà Nẵng giao xây dựng ứng dụng AI nhằm hỗ trợ người tiêu dùng nhận diện hàng thật, đồng thời phục vụ công tác nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường.
Tuy nhiên, để công nghệ phát huy hiệu quả, cần có sự kết nối liên ngành, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, bày tỏ kỳ vọng: “Nếu có một cơ sở dữ liệu được chia sẻ giữa các ngành, các địa phương, để chúng tôi có thể truy cập, tra cứu, học hỏi và áp dụng vào công việc thì sẽ chủ động hơn rất nhiều.”
Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng nhận định thực trạng hiện nay: “Chúng ta như đang dắt một chiếc xe đạp bị xịt lốp trên đường cao tốc. Khi thiếu phương tiện, kiến thức và cơ sở pháp lý, thì lấy gì để ngăn chặn những chiếc container đang lao nhanh ngoài kia?”
Hoàn thiện pháp lý, siết quản lý sàn thương mại điện tử
Trước thực trạng vi phạm tràn lan, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang gấp rút tham mưu xây dựng Luật Thương mại điện tử mới nhằm quản lý tốt hơn trên môi trường thương mại điện tử.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, các sàn thương mại điện tử đã phải gỡ bỏ hơn 33.000 sản phẩm vi phạm, đóng cửa hơn 11.000 gian hàng bán hàng giả, hàng nhái.
Theo ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương): “Sắp tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ xây dựng các cơ sở dữ liệu. Trong quá trình xây dựng Luật Thương mại điện tử, chúng tôi đã đưa vào dự thảo nội dung yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo”.
![]() |
Hàng loạt sản phẩm thật và giả đã được trưng bày tại Hội nghị “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới”. Ảnh: Vũ Lê |
Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - đánh giá, các đối tượng vi phạm ngày càng chuyên nghiệp, thậm chí còn đi trước lực lượng chức năng một bước khi sử dụng công nghệ cao, tạo tài khoản ảo, hệ thống phân phối đa tầng... Do đó, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào nguồn lực số, chuẩn hóa quy trình và nâng cao năng lực cán bộ thực thi.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng công nghệ, ứng dụng AI, Big Data, đồng thời triển khai chiến lược chuyển đổi số toàn diện trong công tác phòng chống gian lận thương mại.
Cuộc chiến chống hàng giả trên môi trường số không còn là “cuộc chơi” của riêng lực lượng quản lý thị trường, mà cần sự phối hợp của nhiều ngành, sự đầu tư bài bản vào công nghệ và pháp lý. Việc ứng dụng AI, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao năng lực cán bộ chính là những trụ cột quan trọng, giúp tạo dựng “lá chắn số” hiệu quả để bảo vệ người tiêu dùng và môi trường thương mại lành mạnh trong kỷ nguyên số.