Infographic: Hoàn hơn 53.000 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp |
Tác động nối tiếp từ chính sách năm trước
Theo Cục Thuế (Bộ Tài chính), tổng số tiền thuế được miễn, giảm, gia hạn trong 6 tháng đầu năm 2025 khoảng 96.749 tỷ đồng. Những chính sách này không chỉ giảm nhẹ gánh nặng chi phí, cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp mà còn tạo dư địa cần thiết để doanh nghiệp tái cơ cấu, đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hai chính sách nổi bật nhất có hiệu lực trong quý II năm nay là Nghị định số 81/2025/NĐ-CP và Nghị định số 82/2025/NĐ-CP. Trong đó, Nghị định 81 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước với số tiền khoảng 6.485 tỷ đồng. Đây là động thái đáng chú ý, bởi ngành sản xuất ô tô là một trong những lĩnh vực công nghiệp chủ lực, tạo ra chuỗi giá trị liên kết rộng lớn từ công nghiệp hỗ trợ đến dịch vụ sau bán hàng.
![]() |
Ngành Thuế giảm gần 97.000 tỷ đồng thuế |
Cùng với đó, Nghị định 82 tiếp tục gia hạn các sắc thuế chủ yếu như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, tổng giá trị ước tính khoảng 51.360 tỷ đồng. Những chính sách này không chỉ thiết thực, giúp doanh nghiệp ổn định dòng vốn lưu động, mà còn tạo niềm tin về một môi trường chính sách đồng hành, linh hoạt và thực chất. Tính chung, riêng các chính sách gia hạn thuế trong 6 tháng đầu năm đã hỗ trợ khoảng 57.845 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng gói miễn, giảm, gia hạn thuế.
Bên cạnh các chính sách mới trong năm 2025, một số chính sách được ban hành từ năm 2024 vẫn tiếp tục tạo hiệu ứng tích cực trong tháng 1/2025 do độ trễ về thời gian kê khai và nộp thuế. Cụ thể, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP khiến thu ngân sách giảm khoảng 2.500 tỷ đồng trong tháng 1/2025. Cùng lúc, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu theo Nghị quyết 42/2023/UBTVQH15 tiếp tục làm giảm ngân sách khoảng 3.661 tỷ đồng.
Những chính sách có độ trễ này chứng minh rõ nét một tư duy điều hành nhất quán: Hỗ trợ doanh nghiệp không mang tính thời điểm mà là sự đồng hành lâu dài, có lộ trình và tính toán.
Gói hỗ trợ mới: Mũi tên trúng đích kép
Từ đầu năm 2025, Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách mới, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa duy trì ổn định vĩ mô. Nghị định 180/2024/NĐ-CP tiếp tục kéo dài việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong nửa đầu năm 2025, làm giảm thu ngân sách khoảng 14.250 tỷ đồng. Đây là một chính sách "đòn bẩy kép", vừa giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, vừa kích cầu tiêu dùng nội địa, nhân tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Ngoài ra, Nghị quyết 60/2024/UBTVQH15 tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu thiết yếu, tác động ngân sách khoảng 17.994 tỷ đồng, đồng thời làm giảm chi phí logistics và vận tải những "nút thắt" lớn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc giảm tiền thuê đất theo Nghị định 87/2025/NĐ-CP ước giảm thu ngân sách khoảng 500 tỷ đồng, tuy không lớn về số tuyệt đối nhưng mang ý nghĩa hỗ trợ nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng mặt bằng sản xuất kinh doanh, vốn là nhóm dễ tổn thương và ít tiếp cận vốn tín dụng.
Giảm gần 97.000 tỷ đồng thuế trong 6 tháng đầu năm không phải là sự hy sinh nguồn thu đơn thuần, mà là chiến lược tái phân bổ nguồn lực nhằm phục vụ mục tiêu lớn hơn: duy trì năng lực sản xuất, bảo vệ việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Trong dài hạn, khi doanh nghiệp hồi phục mạnh mẽ, hiệu ứng lan tỏa đến toàn nền kinh tế sẽ giúp thu ngân sách bền vững hơn.
Tư duy "giảm thu nhưng không giảm lòng tin" chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt trong điều hành chính sách thuế hiện nay. Các chính sách không dàn trải mà có trọng tâm, đúng đối tượng; không giật cục mà có độ trễ, có kế thừa và liên kết giữa các giai đoạn.
Chính sách tài khóa chỉ là một trong nhiều yếu tố tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh. Để chính sách thuế thực sự phát huy hiệu quả, doanh nghiệp cần được tiếp cận nhanh chóng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thụ hưởng chính sách. Đặc biệt, việc truyền thông chính sách cần đi trước một bước để tạo sự chủ động cho người dân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh năm 2025 được kỳ vọng là năm “bản lề” để kinh tế phục hồi bền vững, những chính sách quyết liệt của ngành Thuế không chỉ là hỗ trợ tức thời mà còn góp phần định hình một hệ sinh thái kinh doanh công bằng, minh bạch và hiệu quả hơn.