Người tiêu dùng và doanh nghiệp cần bắt tay nhau để ngăn chặn vấn nạn hàng giả |
Cơ hội đan xen cùng thách thức
Giới chuyên gia đánh giá, ngành logistics đón nhận cơ hội lớn khi Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia bùng nổ thương mại điện tử. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước.
Hơn thế, Nhà nước rất quan tâm đầu tư và mở rộng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với hệ thống đường cao tốc trọng điểm giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển.
Theo báo cáo của WB năm 2023, Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc top 5 ASEAN. Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 16% đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập của Việt Nam năm 2024 lên hơn 786 tỷ USD.
![]() |
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác |
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì khi tham gia quá trình xanh hóa, doanh nghiệp cũng sẽ gặp không ít thách thức. Tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải - Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - phân tích: Trước hết về nhận thức, thói quen, hạ tầng chưa đáp ứng cho sự phát triển của phương tiện vận chuyển xanh. Chuyển đổi xanh hóa đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, doanh nghiệp gặp thách thức khi lựa chọn công nghệ hay việc thiếu đội ngũ chuyên gia có kiến thức và năng lực triển khai.
Còn theo ông Nguyễn Duy Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động và khó lường, chuỗi cung ứng thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có: Đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột khu vực, chi phí logistics leo thang, rào cản thuế carbon, cùng các yêu cầu ESG ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất nhập khẩu.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - cho hay, để chuyển đổi xanh thực sự đi vào thực tiễn, rất cần sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia, giữa các cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt với những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe như Liên minh châu Âu (EU).
Đại diện từ Khu công nghiệp DEEP C và đồng thời là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu hoạt động lâu năm tại Việt Nam, ông Koen Soenens - Phó Chủ tịch Uỷ ban Vận tải và Logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) – nhấn mạnh, quá trình xanh hóa logistics tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là khi doanh nghiệp muốn tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU. “Chúng tôi nhận định, logistics chính là “trái tim” của nền kinh tế - nơi kết nối sản xuất, lưu thông và phân phối. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới chuyển động mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, ngành này buộc phải thay đổi để thích ứng và tồn tại”, ông Koen Soenens bày tỏ.
Đồng quan điểm với các diễn giả, nhiều ý kiến chia sẻ thực tế tại Việt Nam vẫn còn không ít rào cản đang tồn tại, như: Hạ tầng logistics tại Việt Nam chưa đồng bộ, chính sách còn thiếu nhất quán, nhiều quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai thực tế.
Giải pháp để tháo gỡ
Bối cảnh này, theo Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, logistics xanh được xác định là chìa khóa, điểm tựa để các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những “cú sốc” trên.
Chia sẻ cụ thể về nội hàm của logistics xanh, ông Trần Thanh Hải cho biết: Đây là hoạt động logistics hướng đến các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Thông qua việc đầu tư vào phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng container thông minh, tối ưu lộ trình, số hoá quản lý kho bãi, logistics xanh còn hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí dài hạn. Khi giá dầu, giá vận chuyển luôn biến động, đây là “lá chắn kinh tế” rất cần thiết.
Bàn giải pháp cho vấn đề, ông Koen Soenens nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là sự đồng bộ chính sách và thống nhất quan điểm. Một khi điều đó được thiết lập, Việt Nam hoàn toàn có thể tiến rất nhanh.
Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh Hàng hóa Thế giới (WCAworld) - ông Ken Yokeum lại nhấn mạnh, kết nối và liên kết giữa các doanh nghiệp trên toàn cầu chính là nền tảng thiết yếu để hướng tới một ngành logistics phát triển bền vững trong tương lai.
Từ thực tế hoạt động doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch thường trực, Hội Doanh nghiệp Xanh TP. Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang - cho biết: Các cơ quan quản lý cần có sự lưu ý để đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp… Đơn cử tại Singapore cách đây hơn chục năm, họ cũng đã có những cơ chế, nguồn lực để chuyển đổi xanh cho tới hiện nay. Chúng ta phải đầu tư con người một cách linh hoạt để hình thành văn hóa, bởi có những con người xanh mới có những chuyển đổi xanh và một đất nước xanh.
Theo Ban tổ chức, ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn sẽ được VCCI tổng hợp báo cáo Chính phủ cùng cơ quan liên quan cũng như góp ý hoàn thiện chương trình Đại hội FIATA World Congress 2025 mà Việt Nam là chủ nhà. FIATA World Congress 2025 tới đây sẽ có chủ đề “Logistics xanh, thích ứng nhanh”. |