![]() |
TS. Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM |
TS. Trương Minh Huy Vũ: Đòn bẩy thể chế hóa và cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp TP HCM
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS), Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong việc thể chế hóa vai trò của kinh tế tư nhân, đặt khu vực này vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu từ nghị quyết, điều cần thiết là phải có một hệ thống các nghị định và chính sách cụ thể, đồng bộ, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết.
Đối với TP HCM – đầu tàu kinh tế của cả nước, tác động của Nghị quyết 68-NQ/TW dự kiến sẽ được thể hiện rõ nét qua việc đẩy mạnh các dự án hạ tầng chiến lược như Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến metro, cũng như các chương trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong năm nay. Những dự án này không chỉ giúp nâng tầm năng lực kết nối mà còn tạo ra "động lực kép", thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu rộng hơn vào các lĩnh vực then chốt.
TS. Vũ nhấn mạnh: “Trong giai đoạn bứt phá hiện nay, doanh nghiệp tư nhân không chỉ cần mở rộng quy mô mà còn phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Mục tiêu là hình thành một đội ngũ hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường khu vực và toàn cầu.” Trong tiến trình đó, đầu tư công giữ vai trò "người dẫn đường", kích hoạt và tạo hiệu ứng lan tỏa cho dòng vốn tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học – công nghệ.
Ông cũng khẳng định, khu vực doanh nghiệp tư nhân cần được trao vị thế dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và định hình lại phương thức kinh doanh. Đây sẽ là yếu tố then chốt để gia tăng nội lực và sức cạnh tranh của kinh tế TP HCM và cả nước.
![]() |
TS. Mạc Quốc Anh – Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội |
TS. Mạc Quốc Anh: Bước ngoặt chính sách và kỳ vọng gỡ điểm nghẽn
TS. Mạc Quốc Anh – Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW là dấu mốc chính sách quan trọng sau gần 7 năm kể từ khi Nghị quyết số 100-NQ/TW năm 2017 được ban hành.
Theo ông, điểm nhấn nổi bật lần này là việc Bộ Chính trị xác định rõ: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.” Việc bổ sung từ “nhất” không đơn thuần là thay đổi về ngôn từ mà thể hiện sự điều chỉnh chiến lược trong tư duy và quyết tâm chính trị nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển vững chắc hơn.
“Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào các giải pháp thiết thực, đặc biệt là việc đa dạng hóa và mở rộng các kênh huy động vốn cho khu vực tư nhân”, ông Anh cho biết. Ông nhấn mạnh đến nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện chính sách tín dụng dành cho doanh nghiệp tư nhân – nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các startup sáng tạo. Khuyến khích các tổ chức tín dụng xem xét cho vay dựa trên phương án kinh doanh, dòng tiền, dữ liệu vận hành và tài sản hình thành trong tương lai sẽ là bước đi phù hợp để tháo gỡ nút thắt tín dụng.
Ngoài ra, Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng mở ra hướng phát triển tín dụng xanh, quỹ bảo lãnh tín dụng, kết nối dữ liệu giữa ngân hàng và cơ quan quản lý, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý cho các hình thức gọi vốn mới như cho vay ngang hàng hay sàn giao dịch cộng đồng.
“Dù khu vực tư nhân sử dụng hơn 82% lực lượng lao động, nhưng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải dựa vào tài sản thế chấp để vay vốn. Việc tháo gỡ rào cản đất đai, tín dụng là mong đợi lớn của doanh nghiệp”, TS. Mạc Quốc Anh nhấn mạnh. Đồng thời, ông cũng kêu gọi bản thân doanh nghiệp phải chủ động thích ứng, tăng cường minh bạch tài chính, liên kết và đổi mới để tận dụng các cơ hội mà Nghị quyết 68 mang lại.
![]() |
Ông Phan Đình Tuệ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM |
Ông Phan Đình Tuệ: Từ tinh thần quyết liệt đến hành động thực chất
Ông Phan Đình Tuệ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng điểm đặc biệt của Nghị quyết số 68-NQ/TW chính là tinh thần quyết liệt, khác biệt với các nghị quyết trước đây vốn đôi khi chỉ mang tính khẩu hiệu.
“Lần này, Bộ Chính trị đưa ra các số liệu và mục tiêu rõ ràng – như đến năm 2030, Việt Nam phải có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, với đóng góp cụ thể cho GDP. Đây là điểm mới về tính cụ thể, khả thi cao hơn rất nhiều so với trước.” – ông Tuệ đánh giá.
Ông cũng chia sẻ rằng ngay sau khi Nghị quyết được công bố, cộng đồng doanh nghiệp đã “rất phấn khích”. “Nhiều doanh nhân ít ngủ vì mừng! Trên các diễn đàn, hội nhóm, mạng xã hội, Nghị quyết số 68-NQ/TW được chia sẻ, thảo luận sôi nổi. Thành công đầu tiên của nghị quyết là tạo hiệu ứng tinh thần rất tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp.”
Đặc biệt, ông Tuệ hoan nghênh quan điểm “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong Nghị quyết số 68-NQ/TW. Điều này tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp, đồng thời thể hiện thái độ công bằng: “Sai thì được phép sửa, khắc phục – nhưng không có nghĩa là dung túng hay mập mờ. Những sai phạm nghiêm trọng, như sản xuất thực phẩm giả, thuốc giả, thì không thể khắc phục và càng không thể được cổ súy."
Ba góc nhìn từ nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nhân đều cùng khẳng định: Nghị quyết số 68-NQ/TW không chỉ là một văn bản chính sách, mà là bước ngoặt chiến lược trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân. Tinh thần quyết liệt, mục tiêu rõ ràng và loạt giải pháp cụ thể từ nghị quyết đang mở ra cơ hội chưa từng có cho khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, để kỳ vọng trở thành hiện thực, cần một quá trình thể chế hóa khẩn trương, đồng bộ và một cộng đồng doanh nghiệp chủ động, bản lĩnh, đổi mới không ngừng.