Theo đánh giá mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể đưa ra giải pháp/chính sách đối phó với tình hình này một cách đồng bộ ở tầm quốc tế như đã làm được trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, thì tác động của dịch bệnh đến tình trạng thất nghiệp toàn cầu sẽ giảm nhẹ đáng kể.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Báo cáo đánh giá sơ bộ “Covid-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp” mới đây đã kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, trên diện rộng và đồng bộ ở cả ba trụ cột: bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ việc làm và thu nhập.
Những biện pháp này bao gồm mở rộng an sinh xã hội, hỗ trợ khả năng giữ việc làm (như giảm thời giờ làm việc, nghỉ phép có lương và các trợ cấp khác); giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, báo cáo cũng đề xuất các biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ cho vay và hỗ trợ tài chính đối với một số ngành kinh tế cụ thể.
Dựa vào các kịch bản khác nhau mà tác động của Covid-19 có thể gây ra đối với tăng trưởng GDP toàn cầu, ước tính của ILO cho thấy số người thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 triệu người (kịch bản “thấp”) đến 24,7 triệu người (kịch bản “cao”). Đây là số tăng thêm so với nền số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019. Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động. Dự tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Điều này sẽ dẫn tới giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, từ đó tác động tới triển vọng của doanh nghiệp và các nền kinh tế.
Ông Guy Ryder, Tổng giám gốc ILO cho rằng, đây không chỉ còn là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nữa, mà Covid-19 cũng chính là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với thị trường lao động và kinh tế, tác động rất lớn tới con người.
Báo cáo của ILO còn chỉ ra rằng, tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều và điều này sẽ làm gia tăng bất bình đẳng. Trên cơ sở đó, ILO đưa ra hai công cụ chính có thể giúp giảm bớt những tác động tiêu cực và giúp phục hồi niềm tin của công chúng. Đầu tiên là đối thoại xã hội – đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ vừa giúp xây dựng niềm tin của công chúng vừa hỗ trợ các biện pháp mà chúng ta cần thực hiện. Tiếp theo là các tiêu chuẩn lao động quốc tế nhằm cung cấp một nền tảng đã được thử nghiệm và khẳng định dành cho các phản ứng chính sách tập trung vào việc phục hồi một cách bền vững và công bằng, ông Guy Ryder cho biết thêm.
Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã làm rất tốt công tác kiểm soát dịch Covid-19. Sự quyết tâm được thể hiện rõ qua thông điệp của Thủ tướng rằng Chính phủ luôn đặt việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân lên hàng đầu.
ILO Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động để chiến đấu vì việc làm thỏa đáng tại thời điểm khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng về cả sức khỏe, thị trường lao động cũng như kinh tế hiện nay.
Viết Mạnh