Bài liên quan |
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị |
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ công bố các nghị quyết, quyết định thành lập thành phố, Đảng bộ và lãnh đạo TP.HCM |
Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp của quan hệ song phương. Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.
Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Hoa Kỳ, trong đó xe ô tô phân khối lớn. Ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.
![]() |
Kỳ vọng kết quả cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump |
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị phía Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường và bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao. Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump cũng đã trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong những năm tới. Hai nhà Lãnh đạo đã thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt, đột phá như khoa học, công nghệ cao.
Trao đổi về kết quả bước đầu từ cuộc điện đàm cấp cao, bà Lê Hằng – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: "Dù chưa có con số cụ thể về mức thuế đối ứng mà Hoa Kỳ sẽ cắt giảm, nhưng những cam kết ban đầu từ Tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm đã mang lại niềm hy vọng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng mức thuế sẽ đủ thấp để doanh nghiệp có thể cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu khác tại thị trường Mỹ".
Theo bà Lê Hằng, các mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện nay gồm tôm, cá ngừ và cá tra. Đây đều là những mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế đối ứng, thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ đang áp dụng.
"Việc Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp đề nghị phía Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nếu được chấp thuận, sẽ là một bước tiến rất lớn giúp ngành thủy sản Việt Nam giảm rủi ro từ các vụ kiện thương mại quốc tế. Đặc biệt, với ngành cá tra và tôm, khả năng thoát khỏi thuế chống bán phá giá là hoàn toàn có thể xảy ra nếu đề nghị này được thông qua," bà Hằng nhấn mạnh.
Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump không chỉ mang ý nghĩa ngoại giao, mà còn mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ thương mại song phương, đặt nền móng cho tiến trình thương mại công bằng và bền vững.
Các cam kết từ cả hai phía – từ ưu đãi tiếp cận thị trường cho đến cắt giảm thuế và công nhận quy chế kinh tế – nếu được cụ thể hóa trong các thỏa thuận song phương tới đây, được kỳ vọng sẽ giảm thiểu xung đột thương mại, mở rộng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, đồng thời thu hút thêm đầu tư chất lượng cao vào các lĩnh vực then chốt như công nghệ, chế biến và năng lượng sạch.