Tại hội thảo "Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam", GS.TS Đào Văn Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, chia sẻ góc nhìn sâu sắc về hệ thống tài chính và Luật Các tổ chức tín dụng. Với hơn 43 năm giảng dạy trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông khẳng định, luật này là bước tiến lớn nhất từ trước đến nay, đặc biệt trong kiểm soát sở hữu chéo, một vấn đề gây nhiều lo ngại trong hệ thống ngân hàng.
Ông Hùng cho hay, dù luật pháp hiện tại tốt hơn, nhưng thị trường tài chính luôn đi trước các nhà quản lý. Từ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt ở Mỹ, ông nhận xét rằng không có cơ chế quản lý nào hoàn hảo. Thậm chí, các quốc gia có hệ thống tài chính tiên tiến nhất cũng từng là nguồn gốc của những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
GS. TS Đào Văn Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển |
Điều quan trọng, theo ông Hùng, là đảm bảo sự đồng bộ giữa các bộ luật. Ông nhận xét: “Luật Các tổ chức tín dụng hiện nay là quy tắc rất tốt, nhưng vấn đề tuân thủ lại phụ thuộc vào các quy định ở các luật khác.” Do đó, việc bổ sung, hoàn thiện các luật liên quan để hỗ trợ cho luật ngân hàng là điều cấp thiết.
Trong nghiên cứu của mình về 18 tập đoàn tài chính tại Việt Nam, ông Hùng cho biết, ngân hàng hiện chiếm tới 80% tài sản của các tập đoàn tài chính, trong đó 98% là khối tín dụng. Trong khi đó, các lĩnh vực khác như chứng khoán và bảo hiểm chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.
Ông cho rằng trước đây, các tập đoàn tài chính chưa đủ lớn để Nhà nước đưa ra các chính sách quản lý cụ thể. Nhưng trong bối cảnh hiện tại và tương lai, khi quy mô và vai trò của các tập đoàn này ngày càng tăng, chính sách quản lý là điều cần thiết để tạo nền tảng phát triển bền vững.
Đặc biệt, ông Hùng nhận định, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang phát triển tốt, thể hiện qua việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua cổ phiếu từ các ngân hàng nhà nước lẫn tư nhân. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng phát triển dài hạn từ hệ thống ngân hàng Việt Nam.
GS. TS Đào Văn Hùng cũng đề xuất một số giải pháp để xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững tại nước ta. Ông khẳng định, tầm quan trọng của việc nâng cao vai trò của HĐQT trong các tổ chức tài chính, đặc biệt là các thành viên độc lập. Điều này sẽ giúp giám sát tốt hơn các hoạt động, đảm bảo minh bạch và tránh tình trạng ưu đãi nội bộ hoặc thao túng lợi ích.
Theo ông Hùng, Luật Các tổ chức tín dụng hiện tại đã có những điều khoản quan trọng về sở hữu chéo, tuy nhiên cần triển khai nghiêm túc để đảm bảo sự minh bạch trong hệ thống. Ông Hùng nhấn mạnh rằng đây là bước đi cần thiết để củng cố niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.
Theo ông Hùng, bất kỳ chính sách nào cũng cần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và khả thi trong thực hiện. Nếu không, các doanh nghiệp sẽ tìm cách “lách” chính sách để đạt mục tiêu, tạo ra rủi ro tiềm ẩn.
Các tập đoàn tài chính cần tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực như chứng khoán, bảo hiểm, và quản lý tài sản để giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Điều này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn thu mà còn giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Ông Hùng kiến nghị, một bộ luật riêng lẻ không thể giải quyết toàn bộ vấn đề. Việc đồng bộ các luật liên quan sẽ giúp tạo môi trường pháp lý vững chắc, hỗ trợ cho sự phát triển của tập đoàn tài chính.
Với những bước tiến trong Luật Các tổ chức tín dụng và các giải pháp được đề xuất, Việt Nam đang từng bước xây dựng một hệ thống tài chính bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, thành công không chỉ nằm ở việc ban hành luật mà còn ở sự tuân thủ và phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan. “Với tầm nhìn đúng đắn và các chính sách phù hợp, các tập đoàn tài chính Việt Nam có thể vươn xa, không chỉ trong khu vực mà còn trên trường quốc tế”, GS. TS Đào Văn Hùng nhấn mạnh.