Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì hoạt động. |
Tiếp cận vốn là 1 trong 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Từ nay đến hết năm 2024, nhiều chuyên gia dự báo rằng, các tín hiệu kinh doanh sẽ khả quan, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Những căng thẳng địa chính trị hiện nay đang gây gián đoạn chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại, từ đó tạo ra các rào cản đối với tăng trưởng của Việt Nam – một nền kinh tế có độ mở lớn.
Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng đến 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp hơn 40% GDP, 33% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho 36% tổng lao động, thu hút 32% tổng nguồn vốn và tạo ra 26% tổng doanh thu trong khối doanh nghiệp. Điều này cho thấy vai trò rất quan trọng của họ trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm dễ bị tổn thương trước các biến đổi của thị trường.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, do mới thành lập hoặc mới gia nhập ngành, lĩnh vực kinh tế, có quy mô lao động và doanh thu hạn chế, thiếu tài sản bảo đảm hoặc có tài sản bảo đảm nhưng giá trị thấp, đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn để duy trì hoạt động.
Trao đổi với phóng viên, TS.Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định: "Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều năm gần đây thì khả năng tiếp cận vốn là 1 trong 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, cho nên bản thân tôi đã lắng nghe được nhiều doanh nghiệp đã phải cất lên rằng 'chúng tôi khát vốn'. Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng luôn là thách thức rất lớn cho các tổ chức tín dụng và cho cả nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế chính sách làm sao để đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp".
TS.Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập. |
Theo TS. Tô Hoài Nam, có 2 lý do chính khiến đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần vốn. Thứ nhất là để bổ sung vào dòng tiền của doanh nghiệp. Đặc biệt là từ khi sau đại dịch đến nay, nguồn vốn rất cạn kiệt nên họ cần bổ sung vào để bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhu cầu cấp thiết thứ 2 nữa là họ cần vốn để chuyển đổi số, để đổi mới các sản phẩm, dịch vụ cung ứng của họ. Hai nhu cầu này là rất chính đáng để phục vụ cho sản xuất. Thế nhưng, những quy định nội bộ của các tổ chức tín dụng và các quy định chung của Ngân hàng nhà nước thì vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu này. Tất nhiên về lý do thì bao gồm rất nhiều thứ, nó liên quan đến tiêu chuẩn, đến an toàn tài chính.
"Hội viên của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không nằm ngoài tình hình này. Tỷ lệ rất cần vốn để chuyển đổi, đổi mới hiện trên 27%. Tỷ lệ này phải nói là rất cao. Thế nhưng so với Việt Nam có cao không thì nó vẫn là như vậy, mặc dù đã cố gắng hết sức rồi, thế nhưng mức độ khó khăn trong tiếp cận vốn vẫn chưa còn giữ nguyên. Đấy chính là bức tranh chung của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận vốn ở bối cảnh hiện nay", ông Nam chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Hiển, Phó Trưởng ban Đào tạo và Hội viên của VINASME trong hội thảo "Giải pháp thanh toán và tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa" được tổ chức gần đây đã cho rằng, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong công việc tiếp theo vốn là do thông tin tài chính không đủ tin cậy. Nhiều doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản có giá trị thấp, dẫn đến tỷ lệ vay trên tài sản có giá trị chỉ khoảng 50-60%.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn vì dự án của họ có tính khả thi thấp, điều này xuất phát từ việc nguồn nhân lực còn yếu kém, và nhiều doanh nghiệp không có bộ phận chuyên trách để xây dựng các dự án một cách chuyên nghiệp. Cùng với đó, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp vẫn chưa đạt được độ tin cậy cần thiết, thậm chí một số doanh nghiệp còn sử dụng tới 2-3 sổ kế toán, chưa kể nhiều doanh nghiệp chưa có kế hoạch tài chính từ 3-5 năm.
Ông Trần Văn Hiển, Phó Trưởng ban Đào tạo và Hội viên của VINASME. |
Giải pháp để “khơi thông” nguồn vốn
Nhận diện được những khó khăn trên, việc tìm ra các giải pháp để “khơi thông” vốn tới nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được tiếp cận từ nhiều phía. Các chính sách về vốn cần đa dạng, linh hoạt hơn; bản thân doanh nghiệp cũng cần nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của mình để hoàn thiện, cái tiến quy trình, đáp ứng những yêu cầu mới trong việc nâng cao năng lực quản trị.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, TS.Tô Hoài Nam kiến nghị: "Hiện nay, trong bối cảnh mà doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tiếp cận với các tổ chức tín dụng thì chủ yếu phức tạp nhất chính là điều kiện. Chuẩn mực của các ngân hàng thì rất cao trong khi cái chuẩn của doanh nghiệp nhỏ và vừa thì lại thấp hơn, 2 cái này chưa tương thích với nhau. Vì thế, chúng tôi có rất nhiều kiến nghị, chủ yếu trong đó là 2 kiến nghị chính. Một là làm sao đó để các tổ chức tín dụng có thể xem xét giảm bớt đi một số thủ tục hành chính. Thứ hai là tăng số lượng doanh nghiệp được tiếp cận vốn bằng hình thức phương án kinh doanh của mình một cách thực chất, đa dạng thêm nguồn cung ứng vốn cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật, ví dụ như từ các quỹ đầu tư, các quỹ đổi mới sáng tạo,… Qua đó, cố gắng làm sao để tăng cường, đồng thời mở ra các công cụ khác để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn ngoài công cụ truyền thống như hiện nay".
Ông Nam cũng chia sẻ thêm về khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn do các thủ tục giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Ông cho biết, bản thân các ngân hàng cũng có những quy định nội bộ riêng cho khách hàng, và chính điều này làm kéo dài thời gian tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Việc tìm ra các giải pháp để “khơi thông” vốn tới nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được tiếp cận từ nhiều phía. |
Với vai trò là tổ chức cấp quốc gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa, VINASME cũng đang nỗ lực tìm ra và mở rộng nhiều kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. TS. Tô Hoài Nam cho biết: "Chúng tôi phối hợp cùng Visa để cố gắng tuyên truyền, tạo nên công cụ mới, khả năng mới, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. VINASME cùng với Visa, cùng với ngân hàng cố gắng để tạo nên một công cụ mới hy vọng sẽ đáp ứng được một phần khó khăn cho doanh nghiệp.
Ví dụ như chúng tôi dự định cùng với Visa, ngoài việc cấp thẻ visa cá nhân thì cấp thêm thẻ visa doanh nghiệp. Điều này có nhiều lợi ích, thứ nhất, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, thứ 2 là rút ngắn quy trình sổ sách kế toán. Điển hình, khi 1 giám đốc sử dụng thẻ visa cá nhân của mình mua hàng hóa nguyên vật liệu cho doanh nghiệp thì rõ ràng sau khi mua xong thì phải làm một loạt thủ tục về tài chính kế toán để đảm bảo quy định nhà nước về thống kê. Nhưng nếu người giám đốc đó dùng thẻ visa doanh nghiệp chi tiêu tiêu mua sản phẩm hàng hóa cho đơn vị của mình thì ngay lập tức sẽ được hoạch toán vào tài chính của công ty. Như vậy, rõ ràng sẽ tiết kiệm được thời gian và đảm bảo tính chính xác. Về mặt lâu dài thì còn đáp ứng được tính minh bạch. Việc chi tiêu tất cả các sản phẩm hàng hóa mà thông qua ngân hàng, thông qua hệ thống tài chính rõ ràng thì dứt khoát là tính minh bạch về mặt lâu dài sẽ đảm bảo hơn cho các doanh nghiệp. Và chính sự minh bạch đó sẽ giúp cho doanh nghiệp khắc phục dần khả năng không đủ điều kiện để tham gia vay vốn của các tổ chức tín dụng. Đây là mục tiêu xa hơn, nhưng trong ngắn hạn, VINASME hy vọng sẽ tạo thêm kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Nỗ lực của VINASME và các tổ chức liên quan như Visa, ngân hàng là minh chứng cho sự cam kết nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, với hy vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp này trong thời gian sắp tới.