Ông Nghiêm Xuân Thành được chỉ định giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa mới
Đến tham dự và chỉ đạo, có đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Tư pháp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND Tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam và một số lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Quân khu 5, Vùng 4 Hải quân...
Cũng tại buổi lễ, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (mới) trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa và Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận. Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (mới) gồm các tổ chức đảng và đảng viên của 2 Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận trước hợp nhất.
Đồng thời, công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (mới) nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 59 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa (mới) gồm 17 đồng chí.
![]() |
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (cũ) được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (mới) nhiệm kỳ 2020 - 2025. |
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (cũ) được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (mới) nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa (cũ) giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa (mới) nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Các ông: Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận; Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận; Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông được chỉ định giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (mới). Hai quyết định cùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo đã trao hoa và quyết định cho các vị trí chủ chốt của tỉnh Khánh Hòa mới |
Cũng tại buổi lễ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng công bố các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các ban của HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội và chỉ định Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Theo đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Toàn giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2021 - 2026; bà Phạm Thị Xuân Trang, Tỉnh ủy viên giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đặc biệt, tại buổi lễ, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy Đảng và chính quyền tỉnh Khánh Hòa mới đã được triển khai một cách bài bản, đồng bộ và chặt chẽ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã có các quyết định chỉ định các chức danh chủ chốt, đảm bảo sự lãnh đạo liên tục, thống nhất và hiệu quả ngay sau khi các đơn vị hành chính được sắp xếp.
Ông Trần Quốc Nam giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mới
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cùng Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh trao quyết định, tặng hoa chúc mừng Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam (thứ hai bên trái) và các lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa (mới) - Ảnh: VGP/MT |
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cũng công bố các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (mới) nhiệm kỳ 2020 - 2025 giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (mới) nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Các ông: Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, được chỉ định giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (mới) nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại buổi lễ,Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, Ninh Thuận trao các quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc kết thúc hoạt động 15 đảng bộ cấp huyện; thành lập 64 đảng bộ xã, phường mới.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, sau khi sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa có diện tích hơn 8.555km2; dân số hơn, 2,24 triệu người; có 65 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 48 xã, 16 phường, 1 đặc khu, giảm 129 đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ 66,49%, giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm nguồn lực, tăng cường hiệu quả điều hành và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Hợp nhất không chỉ là địa giới, mà là cơ hội phát triển mới
Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu và chỉ đạo tại buổi lễ: Đây là cơ hội để tỉnh Khánh Hòa mới phát triển trong thời gian tới. Việc sáp nhập hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa không chỉ là việc hợp nhất về địa lý mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài, nhằm tái cấu trúc, kiến thiết và mở rộng không gian của hai vùng đất giàu truyền thống cách mạng, tương đồng về bản sắc văn hóa, con người cần cù, sáng tạo. Đây cũng là cơ hội phát huy tiềm năng, tiềm lực sẵn có tạo ra không gian thế và lực mới trong phát triển bền vững,
Phó Chủ tịch Quốc hội đề xuất một số kiến nghị: về công tác tổ chức, phân công, phân quyền cần khẩn trương ban hành cơ chế làm việc mới của cấp ủy, chương trình toàn khóa, tổ chức, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, kịp thời giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Phân công rõ trách nhiệm, phát huy dân chủ, rà soát lại các tiêu chí cho phù hợp với tình hình mới. Chính phủ cho phép Khánh Hòa được thí điểm theo cơ chế chính sách đặc thù mới để phát huy những nội lực mà hai địa phương có
Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành cám ơn các đồng chí lãnh đạo đã tin tưởng lựa chọn ông giữ vai trò bí thư Tỉnh úy, ông cũng mong nhận được sự chia sẻ của ban chấp hành Đảng bộ, ban thường vụ tỉnh, các tầng lớp nhân dân để ông được tiếp thêm động lực, nỗ lực hết mình với nhiệm vụ được giao, cùng nhau nâng tầm tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn phát triển mới.
Sức mạnh tổng hợp sau khi tỉnh Khánh Hòa mới được hợp nhất
Với thế mạnh của hai địa phương khi hợp lực, Khánh Hòa mới bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều lợi thế nổi trội, tạo tiền đề vững chắc để trở thành trung tâm động lực phát triển của khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên.
![]() |
Các cảng biển Cà Ná, Cam Ranh sẽ làm thế mạnh riêng biệt của tỉnh Khánh Hòa |
Có vị trí chiến lược liên kết vùng, liên thông quốc tế, Khánh Hòa mới có đủ điều kiện để phát triển thành trung tâm logistics và thương mại quốc tế của khu vực sẽ sở hữu một vị trí chiến lược đặc biệt, vừa tiếp giáp biển Đông, vừa nối liền với Tây Nguyên, là cầu nối Bắc – Nam, Đông – Tây. Với hệ thống cảng nước sâu Vân Phong, sân bay quốc tế Cam Ranh và các tuyến đường huyết mạch.
Trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo hàng đầu: Khánh Hòa trở thành tỉnh có tiềm năng năng lượng sạch hàng đầu cả nước – đặc biệt là điện mặt trời và điện gió tại các vùng Ninh Sơn, Thuận Nam, Cam Lâm, Vạn Ninh... Đây là lợi thế lớn để chúng ta phát triển công nghiệp năng lượng xanh, góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon quốc gia.
Có nền văn hóa đắc sắc và khác biệt: Khánh Hòa mới sở hữu chuỗi điểm đến du lịch từ Nha Trang – Cam Ranh – Vân Phong đến Vĩnh Hy – Ninh Chữ – Hang Rái, tạo nên hệ sinh thái du lịch biển đảo – sinh thái – văn hóa Chăm độc đáo, có một không hai tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp chúng ta nâng tầm vị thế du lịch, hướng đến khách quốc tế cao cấp.
Nông nghiệp công nghệ cao và bản sắc văn hóa đa dạng: Khánh Hòa mới vừa có lợi thế về nông nghiệp khô hạn – nho, táo, măng tây, tỏi… cùng vùng rừng núi trù phú tại Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Sơn, Bác Ái. Đây là cơ hội phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và du lịch nông nghiệp. Văn hóa Chăm – Raglai – Kinh cùng tồn tại, là tài sản vô giá cần được gìn giữ và phát huy.
Do đó, Khánh Hòa mới không chỉ lớn hơn về diện tích, dân số, mà còn giàu hơn về tiềm năng, đa dạng hơn về bản sắc, và mạnh mẽ hơn về chiến lược phát triển. Đây là mô hình địa phương "tỉnh hợp nhất" đầu tiên của cả nước, là nơi Trung ương đặt kỳ vọng sẽ tiên phong trong công cuộc đổi mới mô hình quản trị và phát triển bền vững.
Với sự đồng thuận chính trị, đoàn kết nội bộ và niềm tin của nhân dân, tỉnh Khánh Hòa mới có đầy đủ điều kiện để trở thành hình mẫu trong quá trình sáp nhập hành chính và phát triển bền vững trong thời kỳ mới.