Hà Nội sẵn sàng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025 |
Bước ngoặt lớn
Lần đầu tiên kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và cấp xã/phường/thị trấn) chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2025.
Theo đó, từ hôm nay, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước chỉ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh; từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã của cả nước giảm còn 3.321 đơn vị, gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu).
![]() |
Trung tâm hành chính tỉnh Lào Cai mới. Ảnh: Quang Dương |
Giới chuyên gia đánh giá, đây không đơn thuần là một cuộc sắp xếp lại địa giới hành chính hay một bước tinh giản bộ máy theo nghĩa hẹp, mà là sự kiện chính trị trọng đại, có tính lịch sử của đất nước. Việc hợp nhất các đơn vị hành chính không chỉ gắn với yếu tố địa lý hay dân số mà còn được cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh: Lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, triết lý phát triển, tâm lý xã hội…
Hơn thế, khi cấp huyện không còn là cấp chính quyền, các quyết định liên quan đến đời sống người dân, từ đầu tư công, hỗ trợ sinh kế, giải quyết tranh chấp, đến cung cấp dịch vụ công… sẽ được giải quyết trực tiếp ở cấp xã/phường, nơi gần dân nhất. Điều này không chỉ giảm thời gian, thủ tục, chi phí hành chính, mà còn giúp người dân cảm nhận rõ vai trò thực chất của chính quyền địa phương. Đây còn là mô hình tổ chức chính quyền mới, được cho là phù hợp với xu thế quốc tế.
Trong bài viết của mình, TS. Nguyễn Sĩ Dũng phân tích, không có quốc gia phát triển nào mà bộ máy hành chính lại cồng kềnh, rườm rà, chồng chéo. Một nền quản trị hiện đại đòi hỏi một hệ thống tổ chức tinh gọn, rõ trách nhiệm, minh bạch trong vận hành và linh hoạt trong hành động. Cột mốc ngày 1/7/2025 đánh dấu tiến trình cải cách hành chính mang tính đột phá nhất trong nhiều thập kỷ – tái thiết toàn diện hệ thống chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, đồng thời tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên toàn quốc.
Cùng quan điểm với TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nhiều ý kiến nhận định, bộ máy sau cải cách sẽ gọn hơn, thông suốt hơn và hành động nhanh hơn, đúng với tinh thần "Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân".
Sẵn sàng tâm thế mới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Sáng nay, người viết bài đã đọc được thông tin trong một bài báo nào đó có câu so sánh rất đáng suy ngẫm: “34 tỉnh thành trên cả nước hôm nay giống như 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa. Tất cả vẫn vẹn nguyên tâm thế sẵn sàng cho một tương lai mới, một kỷ nguyên mới của độc lập, tư do, hạnh phúc và phát triển hùng cường…”.
Quay lại ngày hôm qua (30/6) – thời khắc cả nước đồng loạt diễn ra Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu, để hôm nay vận hành chính thức mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trực tiếp đi khảo sát thực tế mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở TP. Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất của bộ máy mới là vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước của thành phố và chăm lo tốt hơn cho đời sống của nhân dân.
Tổng Bí thư nói: Chúng ta phải xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chuyển từ hình thức quản lý thụ động sang quản trị thông minh phục vụ nhân dân, chính quyền vì dân, phục vụ nhân dân kiến tạo cho sự phát triển và đủ năng lực để có thể triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống vì sự phát triển chung của đất nước.
Trong bài phát biểu với nhân dân TP. Hồ Chí Minh, đồng thời gửi gắm thông điệp tới nhân dân cả nước, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Quyết định "sắp xếp lại giang sơn" là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.
Việc tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương mới là yêu cầu khách quan và tất yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và tăng cường hiệu quả phục vụ nhân dân. Đây cũng là kết quả của sự nghiệp Cách mạng 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng; 80 năm Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cùng thành tựu 40 năm đổi mới.
Trong thời khắc lịch sử này, Tổng Bí thư kêu gọi toàn thể đồng bào cả nước, từ vùng cao biên giới đến hải đảo xa xôi, từ thành thị tới nông thôn, hãy tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững và tiếp tục hun đúc lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái để tạo nên một khối thống nhất bền chặt – sức mạnh vô địch của nhân dân ta.
Đến thời điểm này, đội ngũ đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững.