Đội ngũ của ông Donald Trump cân nhắc kế hoạch thuế quan tăng dần. |
Theo các nguồn tin chia sẻ với Bloomberg, các thành viên trong đội ngũ kinh tế sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump hiện đang thảo luận về việc tăng thuế quan lũy tiến theo từng tháng, nhằm gia tăng đòn bẩy đàm phán, đồng thời tránh làm lạm phát tăng vọt.
Theo đó, một đề xuất được cân nhắc đó là áp dụng lịch trình thuế quan tăng dần từ 2% đến 5% mỗi tháng, dựa trên quyền hạn của Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, các nguồn tin cho biết.
Dù vậy, kế hoạch này vẫn chỉ đang ở giai đoạn sơ khai và chưa được đệ trình lên ông Donald Trump, cho thấy cách tiếp cận tăng thuế quan dần dần vẫn chỉ mới trong quá trình cân nhắc. Các cố vấn đang làm việc với kế hoạch bao gồm ông Scott Bessent, ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính; ông Kevin Hassett, người dự kiến sẽ là Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia; và ông Stephen Miran, ứng cử viên lãnh đạo Hội đồng Cố vấn Kinh tế, theo các nguồn tin.
Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và các đồng tiền nhạy cảm với nền kinh tế nước này như đô la Úc và New Zealand đã tăng giá sau khi có báo cáo. Đồng nhân dân tệ giao dịch ngoài nước đã tăng 0,1% trong phiên châu Á hôm thứ Ba (14/1), trong khi đô la Úc tăng 0,3%. Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ đồng nhân dân tệ khi đồng tiền này vẫn ở gần mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ cho phép đồng nội tệ yếu đi nếu ông Donald Trump áp thuế quan cao hơn lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, ông Donald Trump từng đề xuất mức thuế quan tối thiểu từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% hoặc cao hơn đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc. Và kể từ khi ông thắng cử vào tháng 11, đã có nhiều báo cáo về việc ông sẽ thực hiện các biện pháp thuế quan mạnh mẽ như thế nào, với chính bản thân ông Donald Trump từng bác bỏ một báo cáo về việc triển khai thuế quan dần dần là không chính xác.
Sự không chắc chắn này đã khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp phải đưa ra suy đoán. Chỉ số S&P 500 hôm thứ Hai (13/1) đã giảm xuống dưới mức kết thúc vào ngày 5 tháng 11, ngay trước khi ông Trump đắc cử, trước khi phục hồi sau đó trong cùng phiên giao dịch. Gần đây, nhà đầu tư đã bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ do lo ngại rằng lạm phát sẽ duy trì dai dẳng, một phần vì các loại thuế quan mới, tạo ra áp lực đối với cổ phiếu và nền kinh tế nói chung.
Chỉ còn một tuần trước lễ nhậm chức ông Donald Trump, các nhà kinh tế hiện chỉ có thể dự đoán tác động tiềm tàng của các cuộc chiến thương mại của vị Tổng thống mới đắc cử của Mỹ lên nền kinh tế. Điều này đã tạo ra bức tranh phức tạp cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vì các mối đe dọa thuế quan của ông Donald Trump được xem là rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng, đồng thời có thể làm gia tăng lạm phát nếu các quốc gia tiến hành trả đũa.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, cho biết các mối đe dọa thuế quan đã khiến chi phí vay dài hạn tăng lên trên toàn cầu. Bà cho biết: “Sự bất định về các chính sách thương mại của chính quyền Mỹ sắp tới đang làm gia tăng áp lực kinh tế toàn cầu, và thể hiện rõ ràng qua lãi suất dài hạn cao hơn. Điều này xảy ra ngay cả khi lãi suất ngắn hạn giảm xuống, một hiện tượng rất bất thường”.