Chính phủ Trung Quốc cân nhắc bán TikTok tại Mỹ cho tỷ phủ Elon Musk (Ảnh: Bloomberg). |
Theo các nguồn tin chia sẻ với Bloomberg, các quan chức Trung Quốc đang đánh giá một phương án tiềm năng liên quan đến việc tỷ phú Elon Musk có thể mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ nếu công ty này không thể vượt qua lệnh cấm gây tranh cãi đối với ứng dụng video ngắn này.
Theo đó, các quan chức Bắc Kinh rất muốn TikTok tiếp tục thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ ByteDance, và công ty này đang kháng cáo lệnh cấm sắp được ban hành lên Tòa án Tối cao Mỹ. Tuy nhiên, trong phiên tranh luận ngày 10/1, các thẩm phán đã cho thấy khả năng họ sẽ vẫn tiếp tục duy trì luật này. Các quan chức cấp cao Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận về các kế hoạch dự phòng cho TikTok, như một phần của các cuộc thảo luận về cách làm việc với chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Một thỏa thuận nổi bật với một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Donald Trump có thể mang lại sức hấp dẫn nhất định cho chính phủ Trung Quốc, vốn được dự đoán sẽ có tiếng nói trong việc liệu TikTok có được bán hay không. Tỷ phú Elon Musk đã chi hơn 250 triệu USD để ủng hộ chiến dịch tái tranh cử của ông Trump và được lựa chọn giữ vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả chính phủ sau khi đảng Cộng hòa lên nắm quyền.
Theo một kịch bản mà chính phủ Trung Quốc đã thảo luận, nền tảng X – trước đây là Twitter – của tỷ phú Musk sẽ tiếp quản hoạt động của TikTok tại Mỹ và vận hành cả hai doanh nghiệp này cùng nhau, các nguồn tin cho biết. Với hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ, TikTok có thể hỗ trợ các nỗ lực của X trong việc thu hút nhà quảng cáo. Ngoài ra, ông Elon Musk cũng đã thành lập một công ty trí tuệ nhân tạo riêng có tên xAI, có thể hưởng lợi từ khối lượng dữ liệu khổng lồ mà TikTok tạo ra.
Hiện các quan chức Trung Quốc chưa đạt được bất kỳ sự đồng thuận chắc chắn nào về cách tiến hành và các cuộc thảo luận vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ, các nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về việc liệu tỷ phú Elon Musk, TikTok và ByteDance đã thảo luận về các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận nào có thể xảy ra hay chưa.
Vào tháng 4, ông Musk đã đăng trên X rằng ông nghĩ TikTok nên được tiếp tục hoạt động tại Mỹ: “Theo tôi, TikTok không nên bị cấm tại Mỹ, mặc dù một lệnh cấm như vậy có thể mang lại lợi ích cho nền tảng X. Làm như vậy là đi ngược lại tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến. Đó không phải là giá trị mà nước Mỹ đại diện”.
Các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh cho thấy số phận của TikTok có thể không còn nằm hoàn toàn trong quyền kiểm soát của ByteDance, các nguồn tin cho biết. Các quan chức Trung Quốc nhận ra rằng họ sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán khó khăn với chính quyền của ông Donald Trump về thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và các vấn đề khác, và họ coi các cuộc đàm phán về TikTok là một lĩnh vực tiềm năng để hòa giải, theo các nguồn tin.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang nắm giữ “cổ phần vàng” trong một công ty con của ByteDance, cho phép họ có ảnh hưởng đến chiến lược và hoạt động của công ty. TikTok khẳng định rằng quyền kiểm soát này chỉ áp dụng đối với công ty con Douyin Information Service tại Trung Quốc và không ảnh hưởng đến hoạt động của ByteDance bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, các quy định xuất khẩu của Bắc Kinh đã ngăn các công ty Trung Quốc bán phần mềm thuật toán, chẳng hạn như thuật toán cốt lõi của TikTok. Do chính phủ Trung Quốc sẽ phải phê duyệt bất kỳ thương vụ nào bao gồm công cụ đề xuất giá trị của TikTok, họ có tiếng nói đáng kể trong mọi thỏa thuận tiềm năng.
Hoạt động của TikTok tại Mỹ có thể được định giá khoảng 40 tỷ đến 50 tỷ USD, theo ước tính của các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence. Đây là một con số đáng kể ngay cả đối với người giàu nhất thế giới. Không rõ liệu tỷ phú Musk sẽ thực hiện giao dịch này như thế nào, liệu ông có cần bán các khoản đầu tư khác hay không, hoặc liệu chính phủ Mỹ có phê duyệt giao dịch này hay không. Trước đó, vị tỷ phú công nghệ này đã chi 44 tỷ USD để mua lại Twitter vào năm 2022 và hiện vẫn đang phải trả các khoản vay đáng kể.
Theo một nguồn tin, tỷ phú Elon Musk có uy tín tích cực đối với nhiều nhân viên của ByteDance tại Trung Quốc. Ông được xem là một doanh nhân rất thành công, người có kinh nghiệm làm việc với chính phủ Trung Quốc thông qua hoạt động kinh doanh xe Tesla của mình.
Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, đã tìm cách trì hoãn lệnh cấm đối với TikTok, sẽ có hiệu lực vào ngày 19/1, để ông có thể làm việc trên các cuộc đàm phán. Ông nói rằng mình muốn “cứu” ứng dụng này và có suy đoán rằng ông có thể hành động vào phút chót để né tránh lệnh cấm.
Về mặt thực tế, việc tách riêng hoạt động của TikTok tại Mỹ sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng đến các cổ đông tại cả Trung Quốc và Mỹ. Các luật sư của TikTok đã lập luận trước Tòa án Tối cao Hoa Kỳ rằng việc tách riêng các phần của sản phẩm tại Mỹ sẽ là “cực kỳ khó khăn”.
Ngoài ra, một phương án khác cho TikTok sẽ là chuyển người dùng hiện tại tại Mỹ sang một ứng dụng tương tự, với tên thương hiệu khác, để có thể né tránh lệnh cấm. Tuy nhiên vẫn không rõ liệu phương án này sẽ hiệu quả đến mức nào.
Theo một nguồn tin thân cận với công ty, trước phiên điều trần của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, cuộc chiến pháp lý vẫn là trọng tâm của các lãnh đạo cấp cao và họ ưu tiên tiếp tục đấu tranh tại đây thay vì bán TikTok Mỹ và từ bỏ quyền kiểm soát hoàn toàn.