![]() |
Doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc lao đao vì thuế Mỹ: Gồng mình giảm chi phí, tìm hướng sống còn. |
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế “không tưởng” 245% lên hàng hóa Trung Quốc để thu hẹp thâm hụt thương mại, Bắc Kinh lập tức trả đũa bằng mức thuế 125% lên hàng nhập từ Mỹ, đồng thời tung ra cả các biện pháp phi thuế quan.
Cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” này đang tạo nên làn sóng lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc – những người vốn đang phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Giá cả hàng hóa leo thang, trong khi người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, khiến nhiều chủ kinh doanh lo sợ doanh thu sụt giảm mạnh.
“Khách hàng sẽ chi tiêu ít đi. Trước họ chi 200 tệ, giờ có thể chỉ dám tiêu hơn 100 tệ một chút", ông Mạnh Khai Đông, chủ một quán bar tại Bắc Kinh, chia sẻ.
Quán bar của ông Mạnh hiện phục vụ nhiều loại rượu whisky Mỹ, nhưng ông cho biết sẽ không tiếp tục nhập thêm khi số hàng còn lại bán hết. Thay vào đó, ông hướng đến các nhãn hiệu châu Âu hoặc sản phẩm nội địa – vốn đang được các nhà phân phối thúc đẩy gia nhập thị trường.
Dù vậy, ông Mạnh vẫn giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào khả năng tự sản xuất trong nước: “Ngành công nghiệp Trung Quốc rất phát triển. Chúng tôi có thể tự sản xuất nhiều thứ, nên vẫn có thể xoay sở được”.
Bên cạnh đó, chợ Sanyuanli tại Bắc Kinh, nơi chuyên cung cấp hàng nhập khẩu cho cộng đồng người nước ngoài, cũng đang cảm nhận sức ép rõ rệt. Bà Bành Bính Lan – một tiểu thương đã buôn bán ở đây 18 năm – cho biết sẽ phải dừng bán bột mì Mỹ, do nhà cung cấp không còn nhập hàng.
“Nếu tình hình cứ như thế này, nhiều người sẽ không trụ nổi, kể cả chúng tôi”, bà Lan nói với giọng lo lắng.
Ngay cả trước khi “cơn địa chấn” thuế quan xảy ra, nền kinh tế Trung Quốc đã phải vật lộn với nhiều khó khăn: khủng hoảng bất động sản kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và niềm tin tiêu dùng sụt giảm. Mặc dù đã đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2024, sức mua nội địa yếu vẫn là rào cản lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giờ đây, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang phải gấp rút tìm kiếm thị trường mới để bù đắp tổn thất do mất thị phần tại Mỹ.
“Châu Âu và Nhật Bản là hai thị trường đủ lớn để hấp thụ lượng hàng tiêu dùng dư thừa từ Trung Quốc. Trung Quốc cần tăng cường quan hệ thương mại với hai nền kinh tế này nếu muốn giảm lệ thuộc vào Mỹ”, bà Nhạc Tố – chuyên gia kinh tế trưởng tại Economist Intelligence Unit – nhận định.
Dấu hiệu chuyển hướng này đã được thể hiện khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tại Bắc Kinh vào ngày 11/4. Theo đó, Chủ tịch Tập đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nhau chống lại “chủ nghĩa bắt nạt thuế quan”, đồng thời kêu gọi phương Tây thúc đẩy hợp tác đa phương và cởi mở.
Bên cạnh đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng liên tục đưa những tin tích cực về mối quan hệ thương mại ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản, sau cuộc họp cấp cao tại Seoul vào tháng 3 vừa qua.
![]() Đối mặt nguy cơ thuế nhập khẩu 25% từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Toyota đang cân nhắc đưa dây chuyền sản xuất mẫu SUV bán chạy, RAV4, về Mỹ nhằm giảm thiểu rủi ro. |
![]() Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sắp đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong vòng vài tuần tới, mở ra hy vọng hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan kéo dài suốt nhiều năm qua. |
![]() Trung Quốc tìm cách tái thiết lập quan hệ thương mại với EU, trong lúc đối đầu thương mại với Mỹ ngày càng gay gắt, nhưng vấp phải sự dè dặt từ châu Âu vì lo ngại mất cân đối và cạnh tranh công nghiệp. |