![]() |
Dừng “trả đũa” thuế, Trung Quốc nhắm vào ngành dịch vụ của Mỹ. |
Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump tiếp tục áp thuế mạnh tay lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không tiếp tục trả đũa bằng cách đánh thuế hàng hóa, gọi đây là “trò chơi vô nghĩa về con số” và cảnh báo sẽ “phớt lờ” các biện pháp mới từ phía Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc chuyển sang sử dụng các biện pháp phi thuế quan nhằm gây sức ép lên dịch vụ, lĩnh vực Mỹ đang có thặng dư lớn với Trung Quốc.
Ông Donald Trump đã tăng thuế lên tới 245% đối với một số mặt hàng Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh phản ứng bằng mức thuế 125% trước khi tuyên bố ngừng trả đũa. Tuy nhiên, Trung Quốc đồng thời cũng tung ra loạt biện pháp siết chặt không đánh vào hàng hóa, bao gồm hạn chế xuất khẩu khoáng sản hiếm, điều tra chống độc quyền với các tập đoàn Mỹ như DuPont và Google, và đưa hàng chục công ty Mỹ vào “danh sách thực thể không đáng tin cậy”.
Đáng chú ý, một trong những đòn đánh mạnh nhất là quyết định yêu cầu các hãng hàng không Trung Quốc dừng nhận giao máy bay mới từ Boeing — nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ — và tạm dừng mua sắm thiết bị hàng không từ các nhà cung cấp Mỹ. Quyết định này đã giáng đòn nặng nề vào Boeing, vốn đang phải vật lộn với khủng hoảng kiểm soát chất lượng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã phát lệnh bắt giữ ba cá nhân bị cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công mạng thay mặt Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng khuyến cáo người dân và doanh nghiệp nên tránh sử dụng công nghệ Mỹ, thúc đẩy sử dụng sản phẩm trong nước.
Trung Quốc hiện đang mở rộng cuộc chiến thương mại sang lĩnh vực dịch vụ, bao gồm du lịch, giáo dục, tư vấn pháp lý và tài chính — các ngành Mỹ có thặng dư lớn với Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Theo ước tính của Nomura, nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng hơn 10 lần trong hai thập kỷ qua, đạt 55 tỷ USD vào năm 2024, giúp Mỹ có thặng dư tới 32 tỷ USD trong lĩnh vực này. Chỉ riêng lĩnh vực du lịch chiếm phần lớn giá trị, trong đó 71% là chi tiêu giáo dục từ hơn 270.000 sinh viên Trung Quốc đang học tại Mỹ.
Mới đây, Bắc Kinh đã cảnh báo người dân về việc du lịch và du học tại Mỹ, đồng thời thông báo sẽ cắt giảm nhập khẩu phim ảnh Mỹ. Giới phân tích nhận định những biện pháp này dù tác động tài chính không quá lớn, nhưng lại mang tính biểu tượng và chính trị cao, ảnh hưởng trực tiếp tới những lĩnh vực có tiếng nói trong nội bộ nước Mỹ.
Ông Jing Qian, Giám đốc Trung tâm Phân tích Trung Quốc, cho rằng động thái của Bắc Kinh nhằm vào “các lĩnh vực có độ nhạy cảm chính trị cao tại Mỹ như hàng không, truyền thông và giáo dục”. Ông cũng cảnh báo rằng những hiệu ứng về danh tiếng, chẳng hạn như việc sinh viên Trung Quốc e ngại du học Mỹ, hay các nhân sự công nghệ rút lui, có thể tác động dây chuyền tới hệ sinh thái học thuật và đổi mới sáng tạo của Mỹ.
![]() |
Các tập đoàn Mỹ như Apple, Tesla hay các công ty dược – thiết bị y tế sẽ là mục tiêu tiếp theo trong làn sóng trả đũa của Trung Quốc. |
Việc Trung Quốc đẩy mạnh sử dụng các công cụ phi thuế quan cho thấy Bắc Kinh đang muốn mở rộng chiến tranh thương mại sang quy mô rộng hơn và dài hạn hơn.
Ông Gabriel Wildau, chuyên gia tại công ty tư vấn Teneo, nhận định rằng các tập đoàn Mỹ như Apple, Tesla hay các công ty dược – thiết bị y tế sẽ là mục tiêu tiếp theo trong làn sóng trả đũa của Trung Quốc, với các biện pháp như hạn chế xuất khẩu, siết quản lý và thậm chí là trừng phạt trực tiếp.
Trong khi cả hai phía vẫn để ngỏ khả năng đàm phán, hy vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh sớm giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc ngày càng mờ nhạt. Trung Quốc nhiều lần chỉ trích các mức thuế đơn phương của Tổng thống Donald Trump là “hành vi bắt nạt” và tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng”, nhưng vẫn khẳng định sẵn sàng đối thoại “trên cơ sở bình đẳng”.
Về phía Mỹ, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tuyên bố ông Trump sẵn sàng đàm phán, nhưng nhấn mạnh Trung Quốc phải là bên chủ động: “Bóng đang ở phía Trung Quốc, họ cần một thỏa thuận với chúng ta, còn chúng ta thì không nhất thiết”.
Phản ứng với tuyên bố này, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại, nhưng Mỹ “cần chấm dứt các hành vi đe dọa và tống tiền”.
Chuyên gia kinh tế Jianwei Xu từ ngân hàng Natixis nhận định: “Chỉ khi một quốc gia cảm thấy tổn hại đủ lớn, họ mới có thể điều chỉnh quan điểm và trở lại bàn đàm phán một cách thực chất”.