![]() |
Tâm lý tiêu cực với đồng USD chạm mức cao nhất kể từ năm 2006. |
Theo khảo sát, các nhà đầu tư lớn hiện tỏ ra bi quan với triển vọng của đồng USD hơn bất kỳ thời điểm nào trong gần hai thập kỷ trở lại đây. Điều này phản ánh tác động tiêu cực mà cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump khơi mào gây ra đối với tài sản Mỹ.
Cụ thể, 61% số người tham gia Khảo sát Nhà quản lý Quỹ Toàn cầu của Bank of America kỳ vọng đồng USD sẽ tiếp tục mất giá trong 12 tháng tới — mức cao nhất kể từ tháng 5/2006.
Từ đầu năm đến nay, đồng USD đã giảm 9% so với rổ các đồng tiền chủ chốt, và đà giảm này càng mạnh hơn sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế đối ứng vào đầu tháng 4.
Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy số lượng nhà đầu tư toàn cầu có kế hoạch giảm tỷ trọng cổ phiếu Mỹ đang ở mức kỷ lục, với 53% số người được hỏi cho biết họ đang cắt giảm tiếp xúc với thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.
Sự thay đổi tâm lý rõ rệt từ đầu năm được thể hiện khi nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ vốn được mệnh danh là “Magnificent Seven” không còn là giao dịch đông đảo nhất. Thay vào đó, vàng – kênh trú ẩn truyền thống trong thời kỳ bất ổn – đã vươn lên vị trí số một.
![]() |
Từ đầu năm đến nay, đồng USD đã giảm 9% so với rổ các đồng tiền chủ chốt, và đà giảm này càng mạnh hơn sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế đối ứng vào đầu tháng 4 (Ảnh: Financial Times). |
Chỉ trong ba ngày sau khi ông Trump công bố các biện pháp thuế “Ngày Giải phóng” hôm 2/4, hơn 5.000 tỷ USD vốn hóa đã bị thổi bay khỏi chỉ số S&P 500, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, thị trường đã hồi phục vào tuần trước khi Nhà Trắng tuyên bố tạm hoãn phần lớn các mức thuế đối ứng, dù Trung Quốc không được hưởng ngoại lệ này. Cổ phiếu Mỹ tiếp tục tăng trong phiên thứ Hai (14/4), sau khi Mỹ quyết định miễn thuế tạm thời cho điện thoại thông minh và hàng điện tử tiêu dùng — kể cả với sản phẩm từ Trung Quốc.
Khảo sát cũng cho thấy khẩu vị rủi ro của các nhà quản lý quỹ đã giảm mạnh. Mức độ chấp nhận rủi ro đã chạm đáy trong hai năm qua, trong khi các nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các tài sản an toàn hơn như trái phiếu, tiền mặt và cổ phiếu phòng thủ thuộc các ngành như y tế, tiện ích – thay vì tiếp tục nắm giữ các tài sản rủi ro dễ bị tổn thương trong khủng hoảng kinh tế.
Những tuyên bố thất thường từ chính quyền Mỹ khiến niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất thế giới lung lay mạnh mẽ, dẫn đến làn sóng rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Mỹ – vốn đã vượt trội so với châu Âu và châu Á trong thời gian dài.
Một lãnh đạo mảng giao dịch cổ phiếu tại ngân hàng lớn ở châu Âu nhận định: “Nhà đầu tư đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin vào Mỹ. Vấn đề là chỉ cần vài phút nữa mà có một dòng tin bất ngờ từ Nhà Trắng là mọi thứ có thể tốt hơn, hoặc tệ đi đáng kể. Không ai muốn trông như một kẻ ngốc trên thị trường”.
Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng xuống mức thấp kỷ lục, với 82% người tham gia khảo sát tin rằng tăng trưởng sẽ yếu đi trong 12 tháng tới — một cú sụt giảm niềm tin so với hai tháng trước, khi ý kiến còn chia đều.
Tỷ lệ nhà đầu tư cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ sẽ "không khả quan" cũng ở mức cao nhất kể từ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Ngoài ra, có đến 80% nhà đầu tư được hỏi đồng thuận rằng nguy cơ lớn nhất hiện nay là suy thoái do chiến tranh thương mại gây ra.
Cuộc khảo sát của Bank of America được tiến hành từ ngày 4 đến 10/4/2025, với sự tham gia của 164 nhà quản lý quỹ đang điều hành tổng tài sản trị giá 386 tỷ USD.