Ông Hồ Viết Hà - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Đà Nẵng - chia sẻ, việc sáp nhập cơ học hai cơ sở đào tạo nghề và kỹ năng nghề mở ra hướng phát triển đa dạng và toàn diện hơn cho cơ cấu tổ chức nhà trường, tinh gọn bộ máy hành chính đồng thời tăng thêm các mảng đào tạo nghề mới, hướng đến các tiêu chí đáp ứng nhân lực cho doanh nghiệp và xã hội hơn.
![]() |
Hàng năm, Trường Cao đẳng Đà Nẵng hoàn thành đào tạo nghề cho hàng trăm lao động địa phương |
Cụ thể với mảng đào tạo nghề, Trường Cao đẳng Nghề trước đây đóng vai trò chủ lực trong đào tạo bổ sung các nhân lực lao động phổ thông đã qua đào tạo, người học nghề đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp. Những mảng nghề cơ khí, sửa chữa chế tạo máy, hàn gò tiện bào, điện tử dân dụng, điện tử tiêu dùng… cho đến sửa chữa máy móc, công nghệ số hóa… đều được nhà trường triển khai tích cực, mỗi năm thu nhận hàng trăm học viên tại địa bàn và các nơi. Mảng văn hóa nghệ thuật còn có sự đa dạng hơn, hướng đến những tiêu chí đào tạo kỹ năng, gắn với các năng khiếu bẩm sinh, như nhạc họa, múa hiện đại, truyền thống, âm nhạc dân gian, các bộ môn biểu diễn tuồng, ca kịch…
“Chúng tôi xác định phương châm hoạt động của nhà trường là “sáp nhập để mở rộng, đổi tên để phát triển, hội nhập để vươn xa”. Nên những chuẩn bị từ nhà trường, là xây dựng một thương hiệu giáo dục nghề nghiệp uy tín, gắn với thành phố Đà Nẵng năng động, hiện đại; cần mở rộng phạm vi đào tạo, kết hợp sức mạnh giữa kỹ thuật công nghệ và văn hóa nghệ thuật để mang đến nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn cho người học. Chúng tôi sẽ tái cấu trúc các mảng đào tạo tích hợp liên ngành, liên lĩnh vực, mở rộng hợp tác quốc tế về mảng đào tạo văn hóa nghệ thuật và các ngành kỹ thuật có thế mạnh, đặc biệt tiếp tục miễn học phí học nghề theo chính sách Nhà nước, và xây dựng nhiều chương trình học bổng đặc thù với mảng văn hóa nghệ thuật”, ông Hồ Viết Hà nhìn nhận.
![]() |
Công bố chính thức sáp nhập hai cơ sở đào tạo nghề thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng |
Đặc biệt trong định hướng phát triển hệ sinh thái đào tạo, Trường Cao đẳng Đà Nẵng xác định rõ mục tiêu gắn kết với doanh nghiệp, thúc đẩy mô hình “trường trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong trường”. Đây là một chiến lược đã được nhà trường nghiên cứu, triển khai trong những năm gần đây, thông qua các hợp đồng, hợp tác đào tạo kỹ năng nghề cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư trên địa bàn.
Nhiều thương hiệu lớn như Honda, Toyota, ôtô Trường Hải, các nhãn hàng công nghệ máy tính, điện tử… đang có kế hoạch đào tạo công nhân cùng nhà trường, hàng năm tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng, tái đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.
Theo ông Hồ Viết Hà, sau khi sáp nhập, phạm vi đào tạo kỹ năng của nhà trường sẽ mở rộng hơn, cho phép nhà trường càng xích gần nhu cầu đào tạo, chuẩn bị nhân lực phát triển ở những mảng nghề dân dụng rất chi tiết. Đơn cử các hoạt động cấp chứng chỉ môi giới bất động sản, hướng dẫn viên du lịch, đào tạo các kỹ năng giúp việc nhà, quản lý quán ăn, quán café, đào tạo ẩm thực, đầu bếp, nấu bánh, chế biến thực phẩm nâng cao… đều có thể tổ chức đào tạo tại nhà trường. Đây sẽ là một mảng không gian phát triển rất lớn cho hoạt động đào tạo kỹ năng và làm nghề, hướng đến các nhóm nhân lực trẻ, từ khu vực nông thôn, miền núi Quảng Nam và phụ cận, sẽ bổ sung vào vùng đô thị mới của Đà Nẵng.
![]() |
Tiết mục nghệ thuật do các học viên Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng xây dựng |
Theo ông Trần Chí Cường - Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cơ hội định vị thương hiệu, và năng lực đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, học nghề ở trường Cao đẳng Đà Nẵng chắc chắn sẽ tăng lên. Thành phố này sau sáp nhập điều chỉnh, sẽ càng cần bổ sung thêm những nguồn nhân lực chất lượng và đã qua đào tạo, bảo đảm các tiêu chí nghề nghiệp phù hợp yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tăng thêm cơ hội hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Vị trí những cơ sở đào tạo nghề như Cao đẳng Đà Nẵng, theo đó sẽ được khẳng định.