Đà Nẵng phong tỏa: Hậu cần cung ứng quá tải!

21:32 24/08/2021

Sau 1 tuần phong tỏa toàn diện, Đà Nẵng đang đối mặt câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Rất nhiều phản ảnh của cư dân cho thấy, việc tập trung kết nối qua tổ dân phố không thể giải quyết được mọi vấn đề. Đà Nẵng cần chuyển hướng tổ chức lại hệ thống cung ứng nếu không muốn xảy ra khủng hoảng.

Dù rất cố gắng, nhưng các tổ dân phố không thể bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân.
Dù rất cố gắng, nhưng các tổ dân phố không thể bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân.

Tại buổi họp báo chiều 24/8/2021, lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng một lần nữa khẳng định trách nhiệm tổ chức cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân đã giao cho Sở Công thương, trong khi giám đốc Sở này không khỏi lúng túng khi nói đến những giải pháp tháo gỡ ách tắc từ tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng hiện nay.

Đứt gãy và không đáp ứng nổi

Đây là nhận xét rõ ràng của khá nhiều lãnh đạo đảm trách các khâu an toàn thực phẩm, phân phối thực phẩm cấp quận huyện, doanh nghiệp cung ứng được cấp phép hoạt động tại Đà Nẵng, khi trả lời câu hỏi năng lực bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố. Một cán bộ lâu năm ở Sở Công thương tâm sự, cách tổ chức chỉ có một chuỗi cung ứng qua đầu mối tổ dân phố, do Sở này tổ chức, đang biểu hiện bất cập.

Lâu nay, hệ thống thương mại Đà Nẵng có hơn 70 chợ truyền thống, trăm chợ dân sinh vỉa hè, mấy chục siêu thị, hàng trăm cửa hàng bán lẻ và vô số doanh nghiệp cung ứng; nay phong tỏa chỉ còn lại trên dưới 50 đơn vị. Số đơn vị này cũng phải chấp hành chống dịch, bố trí 30% nhân lực “3 tại chỗ” nên dẫn đến quá tải khả năng đáp ứng nhu cầu toàn thành phố.

Một cách lạc quan, báo chí đang nhìn công tác chống dịch tại Đà Nẵng với góc cạnh tròn vẹn khi người dân nghiêm chỉnh chấp hành ở nhà. Nhưng khi giao phó toàn bộ công tác cung ứng lương thực, thực phẩm cho đội ngũ cán bộ dân phố cơ sở, Đà Nẵng phải đối diện chuỗi cung ứng bắt đầu lộ khiếm khuyết và lần lượt đứt gãy. 

Nhiều người dân Đà Nẵng phàn nàn không thể đặt mua được thực phẩm trong những ngày qua.
Nhiều người dân Đà Nẵng phàn nàn không thể đặt mua được thực phẩm trong những ngày qua..

Nghiêm trọng hơn, đến nay, hầu như các đơn hàng đặt mua thực phẩm của người dân Đà Nẵng bị trễ nải trầm trọng. Nhiều người dân phàn nàn đã 4 – 5 ngày không mua được thực phẩm. Các siêu thị đều thông báo không đáp ứng nổi các đơn hàng, thiếu nguồn hàng cung ứng…

Tất cả đẩy đến hệ lụy tiêu cực, giá cả thực phẩm tăng gấp nhiều lần, nhiều gia đình cư dân không đủ khả năng đặt mua. Một nhà cung ứng buộc phải dừng hoạt động do cung cấp thực phẩm mất an toàn khi giao vận trễ. Một số đơn vị khác xin tự rút khỏi chuỗi cung ứng vì nhân viên không đáp ứng nổi khối lượng đơn hàng tăng hàng chục lần.

Đặt lại bài toán tổ chức!

Nhằm tháo gỡ những ách tắc hiện tại, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, Sở đang đặt ra 2 hướng xử lý. Thứ nhất là phải tăng cường đội ngũ lao động cung ứng để bảo đảm các đơn hàng của người dân. Kể từ 8 giờ ngày 26/8/2021, các nhà cung ứng đang được phép hoạt động sẽ được nâng số lượng nhân viên làm việc lên 60% với điều kiện tuân thủ phòng ngừa dịch tễ. Sở cũng rà soát để nhanh chóng cho phép đội ngũ giao hàng ứng dụng công nghệ hoạt động trở lại, dĩ nhiên cũng đi kèm các điều kiện y tế. Với hướng này, lực lượng cung ứng sẽ tăng lên nhiều lần và hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu đặt hàng trong cư dân thành phố.

Thứ hai, đi cùng diễn biến dịch bệnh tốt hơn, Sở Công thương lên kế hoạch cho các chợ truyền thống sớm hoạt động lại, với phạm vi phường quận nhất định, có sự giám chế chặt chẽ. Các nguồn hàng cung ứng vào chợ sẽ được tổ chức, đăng ký nghiêm túc, được phân luồng để vừa bảo đảm đủ hàng hóa và giá cả hợp lý, vừa tiếp tục phòng bệnh tối ưu. Hướng này sẽ mở đường cho các kịch bản tiếp theo, về việc cho các mảng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm trong dân dần dần mở lại, theo các vùng an toàn dịch bệnh sẽ được địa phương khoanh lại và kiểm soát. 

Phần mềm đi chợ thay người dân đang được sở Truyền thông Thông tin Đà Nẵng hoàn thiện.
Phần mềm đi chợ thay người dân đang được sở Truyền thông Thông tin Đà Nẵng hoàn thiện..

Hỗ trợ cho các phương án này, các Sở Công an, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng cũng sẽ có các kịch bản phối hợp, tạo điều kiện để hàng hóa lưu thông thuận lợi trở lại. Sở Thông tin Truyền thông sẽ đưa ra một số ứng dụng công nghệ để tiện lợi hơn cho người dân, như khai báo y tế toàn dân, phần mềm đi chợ thay người dân, phát hành lại phiếu đi chợ theo lượt, cấp giấy đi đường có mã QR code. Tích hợp những ứng dụng này vào giải pháp phân bổ hàng hóa của các doanh nghiệp cung ứng, thanh toán, dịch vụ giao nhận, dưới sự kiểm soát của Sở Công thương, chắc chắn sẽ giúp chấn chỉnh lại tình hình đứt gãy cung ứng lương thực, thực phẩm hiện nay cho Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo dư luận đánh giá, việc thâu tóm tổ chức về đơn vị cấp sở chỉ có tính nhất thời. Về dài lâu, Sở Công thương chỉ là đưa ra giải pháp và kiểm soát, còn khâu tổ chức hãy để tự thị trường điều tiết. Đà Nẵng cần khẩn trương mở lại chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ, nhà phân phối lẻ với yêu cầu phải chấp hành nghiêm các điều kiện phòng dịch, nhất là tiêm vắc xin cho đội ngũ lao động cung ứng. Khi đó, nhịp sinh hoạt của người dân Đà Nẵng sẽ trở lại bình thường trong điều kiện được giám chế, kiểm soát tốt hơn. Bối cảnh ấy tốt hơn viễn cảnh tiếp tục bị gò bó, phong tỏa và người dân tổn thất nhiều khi muốn đáp ứng những nhu cầu bình thường nhất.

Nguyên Đức