Chứng khoán châu Á hồi phục cùng chiều phố Wall khi Mỹ tuyên bố trừng phạt kinh tế Nga

13:30 25/02/2022

Sau khi tham vấn các đối tác trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7, ông Biden đã công bố các biện pháp nhằm giới hạn khả năng giao dịch bằng các đồng tiền mạnh của Nga, cùng với các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

 

Tổng thống Joe Biden phát biểu về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, ngày 24.2.2022. Ảnh: AFP
Tổng thống Joe Biden phát biểu về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, ngày 24.2.2022. Ảnh: AFP.

Nhà Trắng cảnh báo người Mỹ rằng xung đột giữa Nga và Ukraine có thể khiến giá nhiên liệu tại Mỹ tăng, nhưng các quan chức Mỹ đang phối hợp với các đối tác nhằm xuất thêm dầu từ kho dự trữ dầu thô chiến lược của toàn cầu.

Giá dầu Brent hạ nhiệt từ đỉnh 105$/thùng hôm qua, còn 101.7$ tại thời điểm viết bài, là mức cao nhất kể từ tháng 9/2014. Nga là một siêu cường quốc về năng lượng, sản xuất 9,7 triệu thùng mỗi ngày vào năm ngoái, theo Rystad Energy. Con số đó chỉ đứng sau Hoa Kỳ và lượng dầu nhiều hơn cả Iraq và Canada sản xuất - cộng lại. JPMorgan cảnh báo nếu bất kỳ dòng chảy dầu nào của Nga bị gián đoạn do khủng hoảng, giá dầu có thể "dễ dàng" vọt lên 120 USD/thùng. JPMorgan cho biết trong trường hợp không chắc xuất khẩu dầu của Nga giảm một nửa, giá dầu thô sẽ tăng lên 150 USD/thùng.

Giá vàng giao ngay, thường cũng biến động theo giá dầu trong giai đoạn căng thẳng chính trị, đã giảm 0,4% xuống 1.910,96 USD / ounce, trước đó chạm mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2020 là 1.973,96 USD khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.

Tuy nhiên, có thể thấy phố Wall hiện đang khá lạc quan về tình hình căng thẳng chính trị tại Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán trong dài hạn. Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 24/2 tăng điểm mạnh, dẫn đầu là chỉ số Nasdaq Composite với mức tăng 3%, đánh dấu sự đảo chiều của thị trường. Chỉ số Dow Jones tăng 92,07 điểm, hay 0,28%, lên 33.223,83 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 63,2 điểm, hay 1,5%, lên 4.288,7 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 436,1 điểm, hay 3,34%, lên 13.473,59 điểm. Ed Clissold, Chiến lược gia trưởng tại Ned Davis Research phố Wall cho biết: “Trong lịch sử, các sự kiện khủng hoảng đã gây ra các đợt sụt giảm, nhưng thị trường thường hồi phục trở lại trong vòng vài tháng. Nhìn vào 54 sự kiện khủng hoảng kể từ năm 1907, chỉ số Dow Jones đã giảm trung bình 7,1% trong suốt thời kỳ khủng hoảng, nhưng đã tăng trung bình 9,7% trong sáu tháng sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc. Nga-Ukraine có nguy cơ làm tăng giá năng lượng vốn đã cao, làm thu nhập chậm lại nhanh hơn so với ước tính. Nhưng, với bức tranh toàn cảnh thì điều này không làm thay đổi triển vọng thị trường chứng khoán Mỹ của chúng tôi đối với nửa đầu năm yếu kém và tiềm năng phục hồi trong nửa cuối năm”.

Chỉ số MSCI chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương không tính Nhật Bản tăng 0,68%, trong khi Nikkei 225 của Nhật Bản đang giao dịch tăng 1,59%. Thị trường Hàn Quốc KOSPI tăng 1,08%. Thị trường Đài Loan dù lo ngại căng thẳng Nga-Ukraine có thể gián tiếp tăng căng thẳng Trung Quốc-Đài Loan, cũng đà trở lại đà tăng nhẹ 0,17%. Thị trường tương lai châu Âu hiện cũng đang trên đà hồi phục lại, điển hình như GER30 và UK100 đều tăng gần 0,4%.

Các lệnh trừng phạt cùng những căng thẳng leo thang mới của Nga-Ukraine sẽ tiếp tục gây biến động đến các thị trường, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập sẽ tiếp tục cập nhật nhanh chóng và chính xác đến bạn đọc trong những loạt bài sau.

Anh Dũng