Lô đất số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) rộng gần 5.000 m2 bán cho tư nhân sai quy định, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách. Ảnh: Thiên Ân
Dường như, lời cảnh báo của Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa “lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời” không chỉ giới hạn trong câu chuyện đặc khu kinh tế.
Thất thoát tài sản công biến thể
Những băn khoăn xung quanh Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được thảo luận công khai tại nghị trường Quốc hội. Vẫn là niềm trăn trở không yên về thời hạn thuế đất lên tới 99 năm, tại 3 địa phương có vị trí địa lý tương đối nhạy cảm. Đương nhiên, còn nguyên nỗi lo lắng về mức ưu đãi thuế đất và tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân... vô tiền khoáng hậu. Ám ảnh chuyện được - mất khi trải thảm đỏ ưu đãi khối doanh nghiệp FDI hiển hiện trong tương lai đặc khu kinh tế.
Thế nhưng, có thể đó lại không phải là điều quan trọng nhất. Lẽ ra, phải chỉ thẳng ưu đãi được rải trên thảm đỏ thu hút đầu tư nói chung và mở cánh cửa đặc khu nói riêng chính là nguồn lực, nguồn công sản “vô hình”, có thể giúp nền kinh tế cất cánh. Câu chuyện sử dụng tài sản công, bao gồm cả những lợi ích từ các quyết sách tương lai dạng này cần được bàn bạc một cách thấu đáo.
Quả thật, tài sản công đã bị... chảy máu. Thế nhưng, đã qua rồi cái thời tỉnh nào, ngành nào cũng xin dự án, công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, bất chấp điều tế nhị là báo giá của đơn vị xây dựng các công trình thường chênh lệch 2-3 lần so với mức giá ghi nhận trên thị trường. Nhiều năm nay, chúng ta đã phải vay hàng trăm ngàn tỷ đồng cho chi thường xuyên, không còn tiền cho những thuyết trình đẹp đẽ nhưng không mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như trước nữa.
Đương nhiên, những Vinashin, Vinalines... với chiêu thức vay thật, lỗ thật, nhưng cả ngàn tỷ đồng vẫn tìm được vào tư gia một số vị lãnh đạo tập đoàn khó còn có cơ hội tồn tại. 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương có thể là hồi quang cuối trong nỗi thất vọng về quả đấm thép doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước. Dù việc chỉ mặt và thu hồi tài sản tham nhũng từ sự vung tay đầu tư của khối doanh nghiệp này chỉ đạt được kết quả tương đối khiêm tốn nhưng tín hiệu thì đã rõ. Thêm nữa, nợ công tính đến cuối năm 2017 đã lên tới hơn 3,1 triệu tỷ đồng.
Thất thoát công sản đã có biến thể mới. Không có lợi thế người nhà, lọt sàng xuống nia, nhiều doanh nghiệp tư nhân tìm cơ hội từ công sản chưa thành hình. Có thể kể đến những thương vụ sang nhượng đất vàng trước và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, biến đất công xưởng, nhà máy thành khu đô thị hiện đại bậc nhất tại những vị trí đắc địa trong các thành phố lớn. Giá trị đất đai được nhân lên gấp cả trăm lần và vì thế, không ngạc nhiên khi có chuyên gia ước tính, thất thoát tài sản công từ đất vàng có thể lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Biến tướng của hình thức hợp tác công - tư cũng được xem là mỏ vàng trục lợi, khiến tư nhân làm giàu “sau một dự án” như cách diễn đạt của một vị Đại biểu Quốc hội tại nghị trường mới đây. Không chỉ là câu chuyện BOT, nhiều người còn thắc mắc rằng, tại sao Nhà nước nắm quyền quy hoạch các khu trung tâm thương mại, hành chính, lường trước được bất động sản các khu vực đó sẽ tăng giá vùn vụt nhưng vẫn dễ dãi nhường cho tư nhân quyền hưởng lợi? Sự thất thoát này cần được đánh giá như thế nào?
Có thể thấy, sau thời hoàng kim của khối kinh tế nhà nước là thời của doanh nghiệp FDI và một nhóm doanh nghiệp tư nhân làm giàu lên từ đất. Bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, cộng với sức ép từ mức lợi nhuận quá cao của ngành kinh doanh bất động sản khiến nhóm doanh nghiệp tư nhân còn lại càng khó tồn tại.
Hệ quả tất yếu là thị trường ngày càng vắng bóng những ông lớn sản xuất hàng Việt. Đáng lo hơn, khi người làm thật không phải là kẻ thành công, cuộc đua trục lợi từ cơ chế, chính sách vẫn sẽ tiếp tục. Méo mó không chỉ trên thị trường mà cả trên quan trường như lời cảnh báo của ông Trương Trọng Nghĩa nói trên.
Quản bằng luật hay bằng cơ chế?
Không phải là nhiệm vụ bất khả thi nếu các vị công bộc mẫn cán muốn tìm nút thắt hóa giải thực trạng nêu trên. Thậm chí, bài toán có thể được giải một cách rất đơn giản, dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường là khả năng sinh lợi. Theo đó, thứ nhất, xác định rõ tính chất tài sản công, giá trị thực tế và giá trị có thể đạt được trong tương lai. Thứ 2, lựa chọn cách thức quy hoạch, đầu tư khiến công sản đó có thể phát huy tốt nhất giá trị của nó. Thứ 3, chuyển nhượng quyền sử dụng công sản thông qua đấu giá minh bạch, công khai, từ đó, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, khả năng kinh doanh và thu hồi về ngân sách khoản lợi tức nhiều nhất có thể.
Nếu chấp nhận cách tiếp cận này, điều đầu tiên cần thay đổi là cách thức tính toán giá trị tài sản nhà nước hiện tại. Chiêu trò bán hoặc cho tư nhân thuê công sản theo bảng giá nhà nước, chênh lệch có khi tới cả trăm lần với giá thị trường phải được bóc trần và xử lý nghiêm minh, điều dư luận đang kỳ vọng TP.HCM thực hiện đối với lùm xùm bán, cho thuê đất vàng giá rẻ ở quận 1.
Song song với đó, cần đánh giá lại khối tài sản trị giá 1,2 triệu tỷ đồng do Nnhà nước sở hữu tính đến ngày 31/12/2017 theo thống kê tại Cơ sở Dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước. Con số sẽ không dừng lại ở 1,2 triệu tỷ đồng và lẽ dĩ nhiên, số công sản có thể được chuyển nhượng trong tương lai sẽ có giá trị lớn hơn hẳn.
Tuy vậy, khó tránh khỏi rủi ro khi chỉ thụ động mong chờ sự thay đổi trong cách thức quản lý của những người đang được người dân ủy quyền quản lý công sản dù có lựa chọn được nhân tài có tầm và có tâm như hình dung của ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam. Vả lại, dù nhân tài Việt không đến mức như lá mùa thu, câu chuyện thu hút và giữ chân họ vẫn là một vòng luẩn quẩn chưa tìm được lối ra.
Trong trường hợp này, cần phải luật hóa các ưu tiên, ưu đãi để phát triển doanh nghiệp theo mục tiêu đã định ra đồng thời, không chấp nhận thêm chuyện xin - cho, chạy đua cơ chế đặc thù, vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Đối với khối doanh nghiệp FDI, phải chấp nhận sự đã rồi trong nhiều ưu đãi nhưng chúng ta không được nới rộng hoặc bổ sung thêm các ưu đãi mới. Món quà chung cho nền kinh tế sẽ chỉ là việc cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động... Khi đó, doanh nghiệp sẽ sinh và diệt theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, nguồn lực từ công sản sẽ đến đúng địa chỉ.
NCĐT