![]() |
Thành phố Đà Nẵng mới trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Nam hiện nay được xem là thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất trong sáu thành phố hiện có |
5 quyết sách lớn được Quốc hội thông qua tạo đà cho Đà Nẵng phát triển.
Thành phố Đà Nẵng, đã được Quốc hội thông qua 5 quyết sách lớn gồm: Việc thành lập thành phố Đà Nẵng mới trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng hiện tại được xem là thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất trong sáu thành phố hiện có.
Thành phố Đà Nẵng mới tiếp tục kế thừa các định hướng phát triển, các cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng. Nổi bật trong đó là Kết luận số 79/KL-TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 13/6/2025 về Thành lập Khu Thương mại tự do thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng...
Song song đó, các cơ chế đặc thù trước đây vốn chỉ áp dụng tại Đà Nẵng, sẽ được mở rộng ra toàn bộ địa bàn hợp nhất, bao gồm cả phần thuộc tỉnh Quảng Nam cũ. Được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho thành phố trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất nhập khẩu và thử nghiệm chính sách kinh tế đặc thù mà không nhiều địa phương có được.
Bên cạnh đó, các quy hoạch được phê duyệt giữa hai địa phương cũng được tiếp tục thực hiện và vừa làm, vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới. Tất cả sẽ mở ra không gian mới, tạo nền tảng vững chắc để thành phố Đà Nẵng vững bước phát triển trong giai đoạn mới.
Kỳ vọng một Đà Nẵng mới phát triển mạnh mẽ, ước vào kỷ nguyên vươn mình
Trung ương đặt kỳ vọng rất lớn với định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có vai trò tiên phong, dẫn dắt các địa phương trong quá trình phát triển hiện đại; là “trung tâm đổi mới, sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia”, tiên phong trong các lĩnh vực mới như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế biển…
![]() |
Ông Nguyễn Văn Quảng- Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng |
Ngày 4/7, Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng - cho biết: Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua là một dấu mốc đặc biệt khi thông qua số lượng luật và nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay. Đây là kỳ họp được đánh giá có ý nghĩa lịch sử khi Quốc hội thông qua số lượng luật và nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay, gồm 34 luật và 14 nghị quyết, đồng thời sửa đổi Hiến pháp để xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Một trong những điểm nhấn lớn tại kỳ họp là việc Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại hai địa điểm: TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên trên thế giới có mô hình trung tâm tài chính được tổ chức tại hai nơi cùng lúc.
Được chọn trong 119 trung tâm tài chính trên thế giới, là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất lớn".Đây được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho thành phố trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất nhập khẩu và thử nghiệm chính sách kinh tế đặc thù.
![]() |
Một trong những điểm nhấn lớn tại kỳ họp là việc Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng |
Trên cơ sở đó, Đà Nẵng tập trung phát triển dịch vụ logistics gắn với đầu tư đồng bộ hệ thống cảng hàng không, cảng biển, khu kinh tế, cửa khẩu quốc tế. Từ đó hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm thương mại lớn với hạ tầng và hệ thống phân phối đồng bộ, hiện đại; trung tâm logistics, vận tải đa phương thức; trung tâm phân luồng hàng hóa của khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước.
Cùng với đó, Đà Nẵng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ theo mô hình xanh, bền vững, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử theo hướng kinh tế tuần hoàn, gắn với đẩy nhanh triển khai thực hiện các khu công nghiệp sinh thái và các cụm công nghiệp, nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp Halal.
Đồng thời, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn gắn với nền kinh tế số. Các khu công nghệ thông tin tập trung và chuỗi khu công viên phần mềm khi được hình thành sẽ tạo sự liên kết trong nghiên cứu làm chủ công nghệ và sản xuất các sản phẩm công nghệ số.
Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư xây dựng, hình thành vệt đô thị ven biển, các khu đô thị mới, xanh có quy mô lớn, hiện đại, thông minh tại vùng Đông và phát triển không gian trên biển tại vịnh Đà Nẵng. Định hướng phát triển trở thành chuỗi đô thị, trung tâm tài chính, dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Các nguồn lực sẽ được huy động, sử dụng để đẩy nhanh tiến độ các công trình động lực, trọng điểm. Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ hình thành đường sắt nhánh nối đến cảng Liên Chiểu; hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng Đông – Tây; mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên; các dự án giao thông kết nối thành phố Đà Nẵng qua các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan: 14D, 14B…; kết nối giao thông ngầm qua Sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Với kỳ vọng của Trung ương, một Đà Nẵng mới, với không gian rộng mở được phân định thành 2 vùng Đông và Tây theo đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông thành phố, cộng thêm những cơ chế và chính sách đặc thù này, Đà Nẵng sẽ tận dụng cơ hội để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh hiện có. bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Trở thành một trung tâm kinh tế năng động và bền vững với khát vọng trên hành trình cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.