Đây được xem là động thái “chuyển mình” đầu tiên của lực lượng quân sự thành phố Đà Nẵng ngay sau khi sáp nhập địa bàn với tỉnh Quảng Nam, về việc chuẩn bị cơ sở cứu hộ cứu nạn trong thời điểm thiên tai và bảo vệ an ninh quốc phòng, với tinh thần khẩn trương nắm bắt các tình huống cần thiết để bảo vệ, hỗ trợ người dân.
![]() |
Bãi đáp trực thăng đã đầu tư tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam cũ). Ảnh tư liệu |
Bãi đáp trực thăng cứu hộ đang triển khai có kinh phí 7 tỷ đồng, có thể giúp ứng cứu ngay cho nhiều hộ dân khu vực Trà Cang – Trà My, vùng núi thường xuất hiện lũ quét, lũ ống nguy hiểm vào mùa mưa bão.
Cạnh bãi đáp này, lực lượng quân sự cũng đang đề xuất triển khai một bãi đáp ở xã Hùng Sơn (xã A Xan, huyện Tây Giang cũ) với kinh phí từ 7 – 10 tỷ đồng. Dự án này đã được khảo sát cùng Sư đoàn Phòng không 372 để sớm triển khai trong thời gian tới.
Lãnh đạo bộ chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng cho biết, hướng đầu tư các bãi đáp trực thăng cứu hộ người dân, đã được lực lượng đề xuất những năm qua. Thực tế nhiều vùng rừng núi Quảng Nam cũ, thường có địa hình hiểm trở, độ dốc cao, hay xảy ra những diễn biến bất thường như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…
Trong điều kiện phương tiện cứu nạn hạn chế, các lối đi dễ bị ảnh hưởng trong thiên tai, việc phát hiện, vận chuyển cứu hộ người dân, tìm kiếm cứu nạn rất khó khăn. Nhiều trường hợp thấy rõ người dân bị mắc kẹt trong vùng nguy hiểm, nhưng các lực lượng chức năng vẫn đành thúc thủ khi không thể đưa các phương tiện cứu nạn đường bộ, đường thủy tiếp cận.
Vì thế, đề xuất xây dựng các bãi đáp trực thăng ở những khu vực địa hình hiểm trở, nhằm cứu giúp người dân kịp thời, an toàn; đồng thời làm tốt công tác an ninh quốc phòng, được đánh giá khả thi, hợp lý.
Năm 2021, lực lượng quân sự tỉnh Quảng Nam cũng đã đầu tư một bãi đáp trực thăng ở xã Phước Thành (huyện Phước Sơn cũ) với kinh phí 5 tỷ đồng, qua đó đã phát huy hiệu quả việc cứu nạn, cứu hộ, với vai trò là điểm tập kết lương thực và kho chứa vật chất cho người dân trước mùa mưa bão.