Bài liên quan |
Sản phẩm OCOP lên sàn: Doanh nghiệp vẫn vướng đầu ra, kẹt đầu vào |
Tại cuộc họp sáng 4/7 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì nhằm cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, nhiều nội dung trọng tâm đã được đưa ra nhằm định hướng lại chương trình trong bối cảnh bộ máy chính quyền địa phương chuyển sang mô hình hai cấp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Chương trình OCOP trong việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Từ khi triển khai, chương trình OCOP không chỉ tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông thôn, mà còn góp phần định hình thương hiệu cho nông sản Việt Nam, từng bước chinh phục thị trường quốc tế. “Đây là chương trình mang tính chiến lược, tạo cơ hội để nông dân bước vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng chính sản phẩm đặc thù của địa phương mình”, Phó Thủ tướng khẳng định.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến nay, cả nước đã có 16.855 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, 76,2% là sản phẩm đạt 3 sao, 22,7% đạt 4 sao và có 126 sản phẩm đạt 5 sao – được công nhận là sản phẩm cấp quốc gia. Các sản phẩm ngày càng đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã và tính thân thiện môi trường, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn và chuyển dịch cơ cấu sản xuất bền vững.
Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy nhiều sản phẩm OCOP vẫn gặp khó khăn do thiếu vùng nguyên liệu ổn định, hạn chế về công nghệ chế biến, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong khi chủ thể sản xuất chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ. Điều này đòi hỏi chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Nhà nước, đặc biệt trong đầu tư máy móc, cơ sở hạ tầng sản xuất, công nghệ bảo quản và truy xuất nguồn gốc.
Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi Quyết định số 148 về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành sớm, đảm bảo không để xảy ra khoảng trống chính sách sau khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Về thẩm quyền đánh giá, Phó Thủ tướng thống nhất quan điểm: trong giai đoạn hiện nay, các sản phẩm từ 3 sao trở lên nên do cấp tỉnh thực hiện nhằm đảm bảo chuyên môn và tính khách quan. Trong trường hợp phân cấp về xã, địa phương phải có đề án riêng, đảm bảo nguồn lực con người, tổ chức và cơ chế phối hợp hiệu quả.
Về lâu dài, Chính phủ yêu cầu xây dựng một chương trình OCOP bài bản, đồng bộ, có tầm nhìn chiến lược, gắn với những yêu cầu khắt khe về chất lượng, giá trị gia tăng, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, chuyển đổi số và thương mại điện tử. Mỗi sản phẩm OCOP không chỉ đạt chuẩn mà cần được kể bằng một câu chuyện – gắn với lịch sử, văn hóa bản địa, phản ánh bản sắc vùng miền và cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Sản phẩm OCOP phải được nhìn nhận như thương hiệu quốc gia. Mỗi sản phẩm là một đại diện cho hình ảnh Việt Nam, cần được bảo hộ, quảng bá bằng chính sách phù hợp và triển khai liên tục, bài bản”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. Ông đồng thời đặt kỳ vọng: “Mục tiêu cuối cùng là xây dựng hàng nghìn sản phẩm Việt Nam đặc thù, khác biệt, đạt chuẩn quốc tế và chinh phục thị trường toàn cầu”.