Việc sáp nhập các xã kéo theo khối lượng lớn tài sản công cần được xử lý. Từ các trụ sở làm việc, nhà văn hóa, phương tiện hành chính, đất đai… đều phải được kiểm kê, đánh giá hiện trạng. Trên tinh thần công khai, minh bạch, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tuyên Quang đã giao Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai tổng kiểm kê tài sản công và ban hành hướng dẫn xử lý thống nhất.
Ông Bùi Mạnh Tuyên – Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang – nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; tài sản được ghi nhận chi tiết, hồ sơ đầy đủ, đảm bảo đúng pháp luật, không gây xáo trộn, góp phần vận hành hiệu quả chính quyền địa phương sau sáp nhập.”
Toàn bộ trụ sở, thiết bị và phương tiện sau sáp nhập được sắp xếp lại phù hợp với mô hình tổ chức mới. Tại xã Yên Minh – nơi hợp nhất từ 5 xã – trụ sở UBND được đặt tại huyện cũ, tận dụng tốt cơ sở hạ tầng. Tài sản có giá trị như đất đai, nhà cửa, đặc biệt là những khu “đất vàng” dọc Quốc lộ 4C được xây dựng phương án chuyển đổi công năng phục vụ ngành y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa.
![]() |
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công xã Thái Hòa. Ảnh: Công Vượng |
Tương tự, tại xã Thắng Mố, Trung tâm phục vụ hành chính công mới được bố trí lại thiết bị hiện đại, hoạt động trong không gian hợp lý, giúp cán bộ nâng cao hiệu suất, phục vụ người dân hiệu quả hơn, đồng thời tiết kiệm ngân sách đầu tư.
Tính đến nay, 100% địa phương trong tỉnh đã hoàn tất sắp xếp tài sản công theo đúng lộ trình. Tỷ lệ xử lý tài sản nhà, đất đạt trên 90%, góp phần minh bạch hóa quá trình sử dụng tài sản công và đảm bảo không thất thoát, lãng phí.
Trong thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh số hóa trong kiểm kê, đăng ký tài sản công; phân định rõ trách nhiệm giữa các đơn vị; tăng cường giám sát cộng đồng và phát huy vai trò của báo chí, doanh nghiệp trong theo dõi việc sử dụng tài sản công một cách minh bạch, hiệu quả.