Bài liên quan |
Phường Thanh Xuân (mới) chủ động xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, kết nối chính quyền với kinh tế tư nhân |
Diễn đàn kinh tế tư nhân 2025: Khai phóng tiềm năng, kiến tạo tương lai |
Theo Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân sẽ thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, đóng góp từ 55 - 60% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đặc biệt đi đầu trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ngay trong giai đoạn đến năm 2025, Hà Nội định hướng khu vực tư nhân giữ vai trò tiên phong trong thúc đẩy đổi mới công nghệ và ứng dụng số hóa. Thành phố đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như: ít nhất 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ được đào tạo về quản trị và chuyển đổi số; trên 80% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; trên 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng nền tảng số trong hoạt động kinh doanh. Đây là những chỉ dấu cho thấy Hà Nội đang chuyển mạnh sang nền kinh tế tri thức, lấy doanh nghiệp tư nhân làm trụ cột cho quá trình chuyển đổi.
![]() |
Hà Nội đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực then chốt vào năm 2030 |
Bước sang giai đoạn 2026–2030, Hà Nội kỳ vọng có khoảng 230.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó ít nhất ba doanh nghiệp tư nhân lớn đủ năng lực tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt và lan tỏa năng lực cạnh tranh cho khu vực doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo được đặt mục tiêu đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; và 70% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện.
Đáng chú ý, Hà Nội đặt ra yêu cầu nâng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao lên ít nhất 50% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, từ 70 - 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt chuẩn về năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số trong vận hành. Những con số này cho thấy tầm nhìn chiến lược và sự chủ động của thành phố trong việc xây dựng hệ sinh thái kinh tế tư nhân hiện đại, bền vững.
Để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành chủ động hoàn thiện thể chế, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đồng thời đảm bảo các quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng cho khu vực tư nhân. Chính quyền thành phố cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực thiết yếu như đất đai, tín dụng và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp, Hà Nội khuyến khích khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển mô hình kinh doanh theo hướng xanh, bền vững. Thành phố cũng đặc biệt coi trọng vai trò kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI nhằm hình thành các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu, thích ứng với biến động toàn cầu.
Trong định hướng dài hạn, Hà Nội không chỉ chú trọng hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mà còn tập trung phát triển các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế. Những tập đoàn này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong việc mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm và thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển.
Ngoài yếu tố kinh tế, thành phố cũng đặc biệt đề cao đạo đức kinh doanh, tinh thần trách nhiệm xã hội và vai trò của doanh nhân trong tiến trình xây dựng một nền kinh tế phát triển toàn diện, văn minh và nhân văn. Tinh thần dấn thân và sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân, trong tầm nhìn của Hà Nội, không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là lực lượng đồng hành với sự phát triển thịnh vượng và bền vững của Thủ đô trong những thập kỷ tới.