Cần luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

15:24 24/06/2021

Để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần luật hoá Nghị quyết 42 để thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nợ xấu cao như hiện nay.

 

Cần luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu
Cần luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.

Theo ông Lực, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Thực tế chứng minh Nghị quyết 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu

"Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017). Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là rất lớn”, ông Lực kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết số 42/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 21/06/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017, trên 3 năm đi vào thực tiễn, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Tới nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với trước đó.

Những khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục được ngân hàng cho phép hoãn, giãn, tái cơ cấu khoản nợ theo quy định tại Thông tư 03 sửa đổi bổ sung Thông tư 01, qua đó giảm áp lực tài chính cho người dân cũng như cả ngân hàng. Trong báo cáo của các ngân hàng cho thấy, con số nợ xấu trong Quý I/2021 khá tích cực trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 03 sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch lần này, có thể tình hình nợ xấu sẽ gia tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý được. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng.

PV

Tags: