Bứt phá mạnh mẽ nhưng chưa hết thách thức
Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 939 triệu USD, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 4/2025, dự kiến xuất khẩu tôm đạt 350 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu bốn tháng đầu năm lên gần 1,3 tỷ USD – tăng 35% so với cùng kỳ 2024.
VASEP cho rằng mức tăng trưởng ấn tượng này đến từ sự phục hồi nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và khối CPTPP. Trong đó, Trung Quốc và Hồng Kông là điểm sáng rõ nét, với tổng kim ngạch quý I đạt 288 triệu USD – tăng vọt 125%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh.
![]() |
Tôm Việt “tăng tốc”, tập trung chế biến sâu nâng chất |
Tại thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu quý I/2025 đạt 134 triệu USD, tăng 11%. Động lực chính đến từ nhu cầu phục hồi sau thời gian dài ảm đạm và hiệu ứng tích cực từ Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ 2025 diễn ra tại Boston hồi giữa tháng 3. Giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng sang Mỹ trong tháng 4/2025 đạt 10,9 USD/kg, trong khi tôm sú đạt 17,7 USD/kg – mức giá cao nhất trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Khu vực châu Âu cũng cho thấy tín hiệu phục hồi, với giá trị xuất khẩu quý I đạt 107 triệu USD – tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình ổn định: tôm chân trắng ở mức 7,6 USD/kg, tôm sú tăng nhẹ lên 10,9 USD/kg.
Ở các thị trường châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, tôm Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 124 triệu USD (tăng 20%) và 77 triệu USD (tăng 16%). Đáng chú ý, tôm chế biến và sản phẩm đông lạnh tiện lợi đang chiếm ưu thế tại Nhật Bản – nơi người tiêu dùng ưa chuộng thực phẩm tiện dụng, chất lượng cao.
Với khối CPTPP, xuất khẩu đạt 269 triệu USD trong quý đầu năm, tăng 40%. Tuy vậy, tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản và Canada, trong khi các thị trường nhỏ ngoài top vẫn biến động mạnh do chi phí logistics cao và các rào cản kỹ thuật.
Dù kết quả xuất khẩu tích cực, ngành tôm Việt Nam đang đối mặt thách thức lớn từ chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Từ ngày 2/4/2025, Tổng thống Donald Trump công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và ban hành sắc lệnh áp thuế đối ứng với tất cả quốc gia, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm có mức thuế cao nhất lên tới 46%.
Hiện mức thuế này tạm thời được hoãn thi hành, nhờ đó xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng trưởng trong tháng 4/2025 và được kỳ vọng tiếp tục khả quan trong tháng 5/2025. Tuy nhiên, mốc 9/7/2025 được xem là hạn chót để hàng hóa cập cảng Mỹ nếu muốn tránh bị áp mức thuế mới. Từ nay đến 20/5 được xem là “cửa sổ vàng” để các doanh nghiệp gấp rút vận chuyển hàng hóa sang Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và cả Việt Nam đang đẩy mạnh xuất hàng trong khung thời gian này, với kỳ vọng giữ vững đơn hàng và giảm rủi ro bị thiệt hại bởi chính sách thuế khắc nghiệt. Theo sắc lệnh, sau ngày 9/7, thuế nhập khẩu sẽ tăng từ mức 10% hiện tại lên 26–46% tùy quốc gia.
Xây dựng thương hiệu “tôm Việt” xanh và bền vững
Trước nguy cơ rào cản thương mại ngày càng phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng ngành tôm Việt Nam cần chuyển hướng phát triển theo chiều sâu. Đầu tư vào chế biến sâu, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu “tôm Việt” gắn với bền vững sẽ là chìa khóa để duy trì vị thế lâu dài trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng triệt để các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP... nhằm mở rộng các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, cũng như thị trường Halal – nơi nhu cầu tiêu thụ tôm đang tăng trưởng mạnh.
Đại diện Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp phải theo định hướng xanh, sạch, an toàn và bền vững, ngành tôm cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nuôi trồng tiết kiệm nước, giảm sử dụng kháng sinh, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ và hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm, đặc biệt là theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí đầu vào và bảo vệ môi trường nuôi bền vững.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 750.000 ha nuôi tôm, trong đó trên 200.000 ha được phát triển theo hướng hữu cơ và sinh thái đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận. Những sản phẩm này đang chứng minh lợi thế tại các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ.